Ngoài lề Vĩnh Xuân, nghiên cứu tiếng hét của Lý Tiểu Long. 

Khả năng biểu cảm của nét mặt, uy lực của ánh mắt và tiếng thét đều có thể trở thành vũ khí. Trước đối thủ, bạn nên quên hết những đòn thế cứng nhắc mà bạn đã được học trong võ đường mà chiến đấu bằng tiềm thức của mình. Bạn hãy trở thành một con mãnh thú, mà đã là mãnh thú thì không thể thiếu tiếng hét góp phần hạ gục đối thủ. Đó là lời tâm sự của võ sư Bùi Trọng Quốc Quân, người đứng đầu về nghiên cứu và phát triển Triệt Quyền Đạo tại Việt Nam.

Tiếng hét của Lý Tiểu Long

Diễn viên Trần Quốc Khôn, người thủ vai Lý Tiểu Long trong bộ phim truyền hình “Lý Tiểu Long truyền kỳ” tiết lộ : “Mặc dù được học nhiều môn phái võ và một năm Triệt Quyền Đạo, nhưng anh không thể nào thể hiện được tiếng hét uy lực và ma quái giống Lý Tiểu Long. Cuối cùng, đạo diễn phải lồng vào tiếng hét nguyên bản của họ Lý.

Võ sư Bùi Trọng Quốc Quân giải thích : “Phải là người hiểu được triết lý Triệt Quyền Đạo mới có thể cất lên tiếng hét uy lực. Tiếng hét đó phải nhịp nhàng với đòn đánh mới phát huy được hiệu quả. Có lần một học trò của võ sư bị 2 người đàn ông to khỏe tấn công. Trong lúc xung đột, anh ta sử dụng tiếng hét theo thói quen, đối phương ngẩn người ra một lúc. Thế là quá đủ, 2 gã đàn ông bị quật ngã ngay sau đó. Theo võ sư Quân, đòn đánh của Triệt Quyền Đạo có tốc độ khủng khiếp. Chỉ cần mất tập trung khoảng ¼ giây vì tiếng hét, có nghĩa là người ấy nắm phần thất bại.

Những ngờ vực xung quanh tiếng mèo kêu hoang dại

Thuở nhỏ, tôi và rất nhiều đứa trẻ cùng thế hệ từng coi Lý Tiểu Long là thần tượng. Chúng tôi thường dán những tấm hình của ông đầy nhà và thường ghen tỵ nhau mỗi khi có đứa bạn sưu tập được tấm hình đẹp. Mỗi khi thuê được một cuốn video phim của Lý Tiểu Long, chúng tôi lại cùng nhau xem phim và bình luận. Gần nhà tôi có một vị võ sư, thỉnh thoảng chúng tôi mời ông cùng xem phim và hỏi ông về những đòn thế của Lý Tiểu Long sử dụng. Một lần sau khi xem xong một bộ phim, ông có nói rằng nếu ai từng học võ, xem những bộ phim này có thể học được rất nhiều. Lý Tiểu Long không phải đóng phim mà là chiến đấu thực sự. Chỉ có điều ông không thích những tiếng mèo gào hoang dại mà họ Lý kia thể hiện. Theo ông, nó quá cường điệu và chỉ có trên phim ảnh. Ông đã chạm vào thần tượng của chúng tôi và lập tức ông bị lũ trẻ nhao nhao phản đối. Đứa thì cho rằng Lý Tiểu Long sử dụng võ mèo thì phải kêu tiếng mèo, đứa thì bảo đấy là…sư tử hống, đối phương chỉ cần nghe thấy là mất hết nội lực…và kết cục là chúng tôi không bao giờ mời vị võ sư đó cùng xem phim nữa.

Cho đến tận bây giờ, công nghệ phát triển, có rất nhiều bộ phim võ thuật với những pha hành động rất đẹp mắt được nâng tầm bởi kỹ xảo hiện đại. Thế nhưng các nhà lý luận điện ảnh thế giới vẫn nhận xét rằng, phim võ thuật của Lý Tiểu Long mới là kinh điển. Một số võ sư trên Thế giới còn nghiên cứu kỹ những đòn đánh trong phim và cả tiếng kêu khi chiến đấu của họ Lý. Họ cho rằng Lý Tiểu Long từng là sinh viên khoa triết, những tiếng kêu của Lý Tiểu Long chắc chắn phải có một triết lý nào đó chứ không phải đơn thuần là tạo “phong cách” như một số người nghĩ.

Thế nhưng lời nhận xét của vị võ sư gần nhà luôn ám ảnh tôi. Sau này tôi có dịp trò chuyện với một võ sư môn phái Thiếu Lâm, ông giải thích rằng trong quyền pháp Thiếu Lâm có khẩu quyết “Tú như miêu, đẩu như hổ, hành như long, thanh như lôi” có nghĩa là khi chiến đấu cần phải mềm mại như mèo, lắc lư như hổ, dáng đi như rồng, tiếng hét như sấm. Điều này cho thấy người xưa ngoài chú trọng đến động tác thân thể còn rất đề cao tầm quan trọng của tiếng hét.

Trong nhiều bí kíp võ thuật có nói đến lục công, người nào luyện đủ 6 thứ công phu đó sẽ là cao thủ thượng thừa. 6 thứ công phu đó luyện về THẦN, Ý, HÌNH, LỰC, THANH, KHÍ. Âm thanh đứng thứ 5 trong 6 thứ công phu mà người luyện võ phải tập. Tiếng hét giữ một vị trí rất quan trọng trong võ thuật. Hét để áp đảo tinh thần đối phương, hét để tăng sức mạnh ra đòn, hét để đả thông khí huyết, hét để tinh thần bản thân thêm vững vàng, hét để đồng đội thêm sức mạnh…Tuy tiếng hét trong võ thuật quan trọng là vậy nhưng theo vị võ sư này hiện nay rất ít môn phái luyện hét, hoặc có luyện thì cũng không được chú trọng. Theo ông, tiếng hét phải được phát từ đan điền, người ta dồn nội lực tạo nên tiếng hét uy dũng mạnh mẽ mới có thể trấn áp được đối phương. Thế nhưng tiếng hét của Lý Tiểu Long tuy đầy nội lực nhưng lại giống tiếng hú, tiếng kêu của loài dã thú. Điều này nằm ngoài sự hiểu biết của ông. Ông khuyên tôi muốn tìm hiểu về điều này tôi nên gặp người đứng đầu về nghiên cứu, phát triển Triệt Quyền Đạo tại Việt Nam, đó chính là võ sư Bùi Trọng Quốc Quân.

Bài viết được sưu tầm