️️
Khi lướt qua các diễn đàn võ thuật, chúng ta chắc chắn không ít lần nghe câu thách thức quen thuộc “thực chiến không thì lên đài với MMA là biết”. Vậy MMA (mixed martial art - Võ thuật tổng hợp) thực sự là gì lại được đánh giá cao như thế? Cùng Khoa Học Võ Thuật phân tích nội hàm của khái niệm thú vị này!
Ở giai đoạn khởi đầu, các sự kiện MMA chính thức, điển hình là UFC 1 (diễn ra vào tháng 11/1993) là nơi hội tụ của nhiều võ sĩ đến từ các môn võ khác nhau (cụ thể là Boxing, Kickboxing, Savate, Karate, Sumo, Ju-Jitsu, Taek Won Do và Shootfighting). Về cơ bản, đây dường như là một “đại hội võ lâm” của thế giới phương Tây, vượt qua khuôn khổ “luật chơi nội bộ” của mỗi môn phái. Dana White - chủ tịch của UFC - cũng đôi lần chia sẻ ông và các cộng sự lấy cảm hứng từ tinh thần trao đổi “liên môn phái” của huyền thoại Lý Tiểu Long (việc xem LTL như “ông tổ của MMA” chỉ là một cách nói ví von, gây chú ý vì mục tiêu lợi nhuận hơn là sự thật). Về cơ bản, ban đầu MMA chỉ là sự giao lưu giữa nhiều luật chơi và… “luật ai nấy chơi” miễn là chiến thắng.
Theo thời gian, vấn đề “một phong cách toàn diện” giúp mỗi đấu sĩ tồn tại lâu hơn trên Bát giác đài được nhận thức nghiêm túc hơn. Các võ sĩ thiên về Đả Pháp (Striking) nhận ra các nhóm kỹ thuật Suất Điệt Pháp (Wrestling) và Cầm Nã Pháp (Submission) là cần thiết và ngược lại. Điều này là hiển nhiên vì không phải võ phái nào cũng sở hữu một hệ thống toàn diện từ nền tảng. Các võ sĩ do đó mà dần dần xóa bỏ đi “danh tính cố định” của mình, nghĩa là sẽ không còn khái niệm võ sĩ thuộc về một môn võ cụ thể, mà là một võ sĩ sở hữu bộ kỹ năng khác nhau của nhiều môn phái. Điều này cho thấy tư duy tự do, thực dụng và cá nhân hóa đúng chuẩn Tây phương. “Tôi không đại diện cho võ phái nào, tôi chỉ đại diện cho phong cách của chính tôi”.
Và xin lưu ý, tư duy tổng hợp này đã tồn tại từ lâu ở Hi Lạp, La Mã, Ấn Độ, Ả Rập và Trung Hoa. Một điều dễ hiểu, một trận chiến thật sự đòi hỏi rất nhiều kỹ năng để sinh tồn và chiến thắng hơn bất cứ một “hệ thống khép kín” nào. Nói không ngoa, rất nhiều võ phái Cổ truyền trên khắp thế giới (kể cả Boxing cổ) đều là một thể thức “MMA không xưng danh” (chúng tôi sẽ làm rõ trong bài viết tiếp theo). Đó là nguyên nhân bản chất giải thích vì sao thể thức MMA trở thành một thuật ngữ được đề cao trong suốt 3 thập niên qua, dù là giới chuyên gia hay khán giả mộ điệu nghiệp dư. XIN LƯU Ý, “MMA không phải là một môn võ, MMA là một thể thức thi đấu tự do và giàu tính cá nhân hóa”.
Theo Khoa Học Võ Thuật