Cuộc đời và sự nghiệp Võ thuật.

Thầy Ngô Sĩ Quý sinh năm 1922 trong một gia đình khá giả ở phố Đông Kinh Nghĩa Thục (nay là các phố: Mã Mây, Hàng Bạc, Phất Lộc).

Di ảnh cụ Ngô Sỹ Quý

Từ nhỏ ông đã ham thích âm nhạc và võ thuật. Ông được một cha đạo ở Nhà thờ lớn dạy nhạc. Trong một lần nhà thờ tổ chức biểu diễn hòa nhạc cho Hội Hoa kiều, cha đạo đã giới thiệu Ngô Sĩ Quý biểu diễn một số bản nhạc violon cổ điển. Do mến tài nên Cam Thúc Cường (Cam Doo Kioong), con trai của gia đình Hoa kiều mà Tế Công làm quản gia, đã xin kết bạn và học violon với Ngô Sĩ Quý. Họ trở thành đôi bạn thân. Sau đó, Cam Thúc Cường giới thiệu Ngô Sĩ Quý với Tế Công và xin cho Ngô Sĩ Quý theo học (khoảng năm 1938).

Năm 1946, thầy Ngô Sĩ Quý đi kháng chiến.

Năm 1951, thầy Ngô Sĩ Quý sang Trung Quốc và có dịp tham dự Hội nghị võ thuật Trung Quốc tổ chức ở Nam Kinh. Trong hội nghị này, các nhà võ thuật Trung Quốc đưa ra đường lối duy trì và phát triển võ thuật Trung Quốc trở thành một môn văn hóa, rèn luyện mang lại sức khỏe cho con người, xây dựng đất nước. Họ đã lấy các môn nội gia của Trung Quốc, trong đó có Vĩnh Xuân, làm tiêu chí cho chiến lược này. Với quan điểm đó, khi trở về đất nước, thầy Ngô Sĩ Quý đã truyền lại cho học trò quan điểm võ thuật với hiểu biết theo ngôn ngữ hiện đại và quan điểm duy vật biện chứng, được phân tích dựa trên hệ thống học từ cụ Tế Công.

Cả đời cống hiến cho Vĩnh Xuân, thầy Quý đã đào tạo nhiều thế hệ học trò. Trong số đó nhiều người đã thành đạt và tiếp nối sự nghiệp của Thầy.

Thầy Quý mất năm 1997 tại Hà Nội, thọ 76 tuổi.

Theo Vĩnh Xuân Ngô Gia