I. Đấu pháp

Trước tiên phải giữ cho mình đứng vào vị trí bất bại, tâm thức phải tĩnh, bộ thế phải đúng.

Nhanh sẽ sơ ý, sơ ý sẽ nôn nóng, nôn nóng sẽ mất bình tĩnh, động tâm rồi thì công hay thủ sẽ mất thế.

Dưỡng hơi lấy sức, trong nhu có cương, trong tĩnh có động. Chỉ dùng hơi sẽ bị trệ, chỉ dùng sức sẽ bị cắt ngang. Co thì đưa ra ngay, nắm thì không buộc, theo thế đối phương mượn sức của họ.

Nhu quyền có thể dùng bốn lạng đẩy ngàn cân. Không cần biết thể trọng nặng nhẹ, lực mạnh hay yếu, lấy tâm bất động để phá động tâm, khống chế đối phương.

Dùng nhu chế cương, mượn sức đánh sức, quên mình theo người, thuận dòng để lội ngược dòng. Đối thủ dùng lực thì theo lực của đối thủ để hóa giải. Hóa giải lực của đối thủ rồi trả lại cho đối thủ. Đối thủ dùng lực càng mạnh tất yếu bị thương càng nặng.

Càng cầu thắng càng dễ mất bình tĩnh, càng lên gân càng kém linh hoạt, càng cố với càng mất trọng tâm. Bởi vậy phải giữ cho mình đứng vào thế bất bại chứ không phải chủ hạ đối thủ. Nếu mình giữ được thế bất bại thì đối thủ đương nhiên sẽ bại.

Mềm như nước để phù hợp mọi khuôn dạng, cứng như nước để xuyên thấu bất cứ vật gì, môn sinh nhu quyền không ý thức chống lại mà nương theo đối thủ, không phụ thuộc đòn thế cụ thể mà tùy địch chi biến nhi biến, lấy vô chiêu để làm hữu chiêu, tránh chỗ mạnh để tìm chỗ yếu, chờ cơ hội để phát đòn chí tử như sét đánh giữa vòm trời mùa hạ.

II. Quyền pháp

Trước khi thực hiện một động tác khó khăn, phải quán tưởng động tác rồi mới thi hành. Phải biết dùng tâm nhãn, không chỉ dùng mắt trần. Bất cứ loại hình nào trên thế gian đều phát ra trong lòng, nếu tâm ý không hiểu thì lý cũng không thông.

Phải hiểu rõ tính cách của mình để hòa hợp.

Tập trung tư tưởng vào động tác đang thực hiện. Đòn thế đánh chậm và lỏng nhưng không buông xuôi, nhu nhưng không nhược, tinh thần tập trung nhưng thoải mái, ý nghĩ đi trước động tác.

III. Kỹ pháp

Niêm thủ của Vịnh Xuân Quyền và Thôi thủ của Thái Cực Quyền để luyện cảm ứng lực. Cảm ứng đối với lực, chính là trong lòng có cảm, trong lòng có giác, có cảm sẽ có giác, có giác sẽ có ứng.

Dùng ý vận thân, dùng thân vận khí, dùng khí vận lực. Lúc dừng thì phản ứng linh hoạt, lúc co xong thì dãn, lúc tiến lùi thì rõ ý.

Nhu quyền xem trọng dùng tĩnh chế động, bộ pháp khống chế người. Nhưng bộ thế đó chỉ là hình, ý nằm trong đó.

IV. Võ đạo

Vạn sự phải thuận theo tâm ý, chính đạo và tự nhiên.

Lấy võ đức làm đầu, dùng lòng dạ rộng lượng để dung nạp và hóa giải tất cả.

Tự trăm nguồn đổ về biển cả để sáng lập cảnh giới mới.

Tác giả Khương Việt Hà