Sau khi Diệp Vấn qua đời, các học trò của ông vẫn tiếp tục truyền bá Vịnh Xuân một cách rộng rãi. Cho đến nay, hệ thống Vịnh Xuân theo giáo trình của Diệp Vấn đã có mặt ở rất nhiều nước trên toàn thế giới. Theo một bài viết của võ sư Diệp Chuẩn thì đến sau khi Diệp Vấn qua đời đã có gần nửa triệu người học Vịnh Xuân Quyền. Còn theo Wikipedia, đến nay trên toàn thế giới có đến 2 triệu người đang luyện tập môn võ này, một con số khổng lồ.
Diệp Vấn vẫn chăm chỉ luyện công khi tuổi tác đã ngoài 70. – ảnh kiến thức
Sự thành công của Diệp Vấn ngoài niềm đam mê và nỗ lực trọn đời, còn nhờ vào những phương pháp sư phạm rất độc đáo của ông. Trước hết, dù mở võ đường làm kế sinh nhai, Diệp sư phụ vẫn không thu nhận đệ tử theo kiểu càng nhiều càng tốt. Võ sư Diệp Chính (con trai cụ Diệp Vấn) trong một bài viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha mình nói rằng:
“Diệp sư phụ đặt trọng tâm lớn vào việc lựa chọn tài năng. Ông luôn nói: “Không có gì để bàn cãi khi nói rằng một đệ tử chọn được thầy đã khó nhưng một người thầy chọn được một đệ tử còn khó hơn”. Đó là một tâm lý bất bình thường đối với một người dạy võ để kiếm sống. Điều này có nghĩa rằng ông có thái độ rất nghiêm túc trong thái độ của mình và chịu trách nhiệm về các môn đồ mà ông dạy. Trong suốt cuộc đời, ông đã không treo lên một biển hiệu hay dòng tuyển sinh quảng cáo nào. Mục đích của việc này là để “giành quyền chủ động lựa chọn đệ tử”. Ông đã tôn trọng và giữ vững nguyên tắc này trong suốt 20 năm. Đó là một điều đáng khen ngợi đối với một người dạy võ để kiếm sống như ông”.
Sư phụ Diệp Vấn tập mộc nhân – Ảnh Kiến thức
Bên cạnh đó, Diệp sư phụ cũng đã thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại. Khi giảng dạy Vịnh Xuân, ông đã loại bỏ hết những khái niệm siêu hình học như ngũ hành, bát quái. Thay vào đó ông ứng dụng các kiến thức công nghệ đương thời như cơ học, toán học để giải thích các quy tắc Vịnh Xuân. Điều này cũng là một bí quyết giúp người học dễ dàng tiếp nhận hơn.
Diệp Vấn cùng đệ tử Lý Tiểu Long
Võ sư Diệp Chính còn kể: “Người đã không bao giờ nói và thậm chí căm ghét những ai khoe rằng: “Tôi đã được gặp một thiên tài hay một ẩn sĩ và người đó đã dạy cho tôi những kỹ năng phi thường hay độc chiêu trong võ thuật” nhằm lừa đệ tử của mình và nâng cao chính mình. Ông nghĩ rằng người đó không có niềm tin vào những gì mình đã học được và đã rất nông cạn trong các quy tắc của võ thuật và chỉ muốn mọi người sợ hãi bằng cách bịa ra các câu chuyện bí hiểm. Diệp sư phụ tin rằng một người sử dụng các phương tiện vô căn cứ để dạy võ thuật là những người thất bại”.
Theo Kienthuc.net.vn
Be the first to comment