Bộ pháp là danh từ chuyên môn võ thuật dùng để chỉ phương pháp di chuyển, là nghệ thuật di chuyển cơ thể trên nền tảng các bộ tấn. Từ điển Việt Nam cũng như từ điển Hán Việt định nghĩa “bộ” có nghĩa là bước chân, đi bộ. Phương pháp di chuyển có nhiều cách nhưng phải theo nguyên tắc kỹ thuật, đúng phương vị, linh hoạt, vững vàng, cơ thể phải nhẹ nhàng, trọng tâm phải hợp lý.
Bộ pháp là nội dung căn bản quan trọng trong võ thuật. Luyện tập bộ pháp kiên trì, cần mẫn thì bước chân sẽ nhuần nhuyễn, thuần thục, biến hóa khôn lường, xuất nhập tùy ý, chợt Đông, chợt Tây, lúc Nam, lúc Bắc, có thể tiếp cận đối phương nhanh để ra đòn kỹ thuật mà đối phương không kịp né tránh hoặc có thể thoát ly khỏi tầm tấn công của đối phương mà đối phương chưa kịp ra đòn. Tốc độ nhanh, chậm của bộ pháp, khoảng cách dài, ngắn của bước di chuyển ảnh hưởng trực tiếp đến kỹ thuật phòng thủ và tiến công; nên các yếu tố cơ bản phải có của bộ pháp là chuẩn xác, tốc độ, linh hoạt, ổn định. Những lỗi lầm về phương pháp di chuyển trong các tình huống thường dẫn đến thất bại. Bộ pháp thiếu uyển chuyển khi diễn một bài quyền sẽ khiến cho bài quyền trở nên khô cứng, khó lột tả được hết ý nghĩa truyền thống đích thực của bài quyền. Bộ pháp vụng về trong giao đấu là tạo cơ hội cho đối phương làm chủ trận đấu.
Võ cổ truyền Việt Nam ứng dụng học thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, Bát Quái trong dụng võ, nên có câu : “Song thủ ngũ hành vi bổn. Lưỡng túc bát quái vi căn”. Bộ pháp Võ cổ truyền nổi tiếng có tên “Lưu thủy hành vân – nước chảy mây bay”, “Di hình hoán ảnh – dời hình đổi ảnh”, “Tùy ba trục lãng – sóng nhỏ dồn sóng lớn, sóng sau xô sóng trước” thường dùng trong các trận đấu võ đài trước đây, không một võ sĩ nào là không chuyên tâm tập luyện. Chính bộ pháp giúp người thi đấu có khả năng né tránh hóa giải, phản đòn hoặc ra đòn tấn công theo ý muốn.
Bộ pháp thì nhiều, nhưng có thể thu gọn một số cách di chuyển tiêu biểu như sau:
- Di chuyển tới trước, lùi sau.
- Di chuyển bước lên, bước về.
- Di chuyển qua trái 450, qua phải 450.
- Di chuyển vòng cung bên trái, vòng cung bên phải.
- Di chuyển ngang trái, ngang phải.
- Di chuyển bật, nhảy, lăn, nhào, lộn.
- Di chuyển đảo hướng, đảo tấn tại chỗ.
- Di chuyển bước đôi trượt tới và lui…
Nhưng dù có di chuyển thế nào đi nữa thì cũng không ra khỏi phương vị 4 phương, 8 hướng, hay nói cách khác cũng nằm trong đồ hình bát quái. Đó là nét độc đáo của Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Khi diễn luyện một bài quyền, kỹ thuật di chuyển của người tập võ khác rất nhiều so với vận động viên các môn thể thao khác. Bởi vì đối với bài quyền, người tập luyện tự đặt mình trong tình huống chiến đấu với những đối thủ tưởng tượng, nên phải thường xuyên thay đổi phương hướng, nhịp điệu di chuyển. Vừa di chuyển vừa thở, vừa di chuyển vừa phải tấn công hay phòng thủ bằng cả tay, chân, thân. Trọng tâm, bước chuyển phải thăng bằng cao độ và hợp lý.
Tuy trên cơ sở kỹ thuật căn bản giống nhau nhưng các môn võ vẫn có những phương pháp di chuyển chuyên biệt, phù hợp với chiến thuật thi đấu của mình. Bộ pháp được coi là công phu căn bản vì đòi hỏi sự di chuyển vững chắc, vị trí trọng tâm ổn định và cơ thể ở trạng thái cân bằng mang lại hiệu quả trong phòng thủ cũng như tiến công. Nắm vững kỹ thuật, phát huy được nghệ thuật di chuyển, người tập võ có khả năng thực hiện bài luyện một cách linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu tối ưu khi thi đấu và nhất là tiết kiệm được sức lực trong quá trình hoạt động với khối lượng lớn.
Bộ pháp quan trọng vì còn liên quan đến những yếu tố quyết định khác là khoảng cách và thời điểm. Nếu không phối hợp được các yếu tố ấy hài hòa thì đòn kỹ thuật sẽ không hiệu quả. Ra đòn mà khoảng cách không hợp lý, thời điểm di chuyển chưa tới thì đòn sẽ không đến đích hoặc đến đích nhưng không có sức mạnh và hiệu quả như ý muốn. Vì vậy các kỹ thuật dịch thế, sàng thế, bước ngắn, bước dài, chuyển bước, lấn bước, lướt bước thay đổi theo tình huống thực tế. Cũng như chiến tướng trên lưng ngựa các thế đánh binh khí ngắn, dài chỉ hiệu quả khi chân ngựa bước đúng khoảng cách và đúng thời điểm ra đòn, nên tầm quan trọng của “mã bộ – chân ngựa” là như vậy.
Võ thuật là môn khoa học về vận động và chiến đấu, ngoài những kỹ năng, thiện nghệ nhờ kiên trì tập luyện cũng cần đến sự thông minh và biến hóa của người tập, vì võ là mưu lược, võ có “thế”, có “miếng”, đòi hỏi tính thực dụng và hiệu quả cao, vì vậy dù lý thuyết hay thực tế thì kết quả vẫn phải là một sự thật. Võ thuật truyền thống không mang tính giả tạo, khôi hài khi đòn thế chưa chạm mục tiêu mà đối phương đã ngã lăn ra giẫy chết, hoặc các kỹ thuật, chiến thuật bất hợp lý, phản khoa học không phải là tinh thần của võ thuật truyền thống. Khoa học quân sự trong quân trường dạy cho người lính tác chiến với các tư thế bắn nằm, bắn quỳ, bắn đứng, bắn tì, bắn linh tính; các đội hình hành quân hàng dọc, hàng ngang, đội hình quả trám; khi ra mặt trận mọi tình huống không thật giống trong quân trường, người lính phải biết vận dụng kiến thức để tùy cơ ứng biến; cũng như người học võ trong võ đài của cuộc đời, phải tự trải nghiệm qua những điều đã học, tạo cho mình một bản lãnh chiến đấu riêng mà lúc đó không có thầy bên cạnh.
Võ sư Trương Văn Bảo
Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt
3 Bình luận
VĨNH XUÂN QUYỀN
show more show lessI. SỰ HÌNH THÀNH VĨNH XUÂN QUYỀN
1. Truyền thuyết và lịch sử của Vĩnh Xuân quyền
Hầu hết các võ sư và người luyện tập môn Vĩnh Xuân quyền, còn gọi là Vịnh Xuân quyền đều được nghe kể về truyền thuyết của môn phái như sau: Vào thời Càn Long, quân đội Mãn Thanh hoả thiêu chùa Thiếu Lâm – nơi các cao tặng đào tạo võ thuật cho các sư sãi, nhân sĩ, trí thức và chiến sĩ của phong trào “Phản Thanh phục Minh”. Có năm cao thủ đã đột phát vòng vây, đào tẩu trong cuộc chiến hoả thiêu Thiếu Lâm. Sau này, họ được gọi là “Ngũ tổ” của Nam quyền, là thiền sư Chí Thiện, lão ni Ngũ Mai, Phùng Đạo Đức, đạo nhận Bạch Mi và chân nhân Miêu Hiển.
Do võ thuật Thiếu Lâm thời đó chủ yếu để rèn luyện sức khỏe, “thiền”, thiếu tính thực chiến, không địch lại quân đội Mãn Thanh, nên trên đường trốn chạy, “Ngũ tổ” phải luôn luôn tìm kiếm phương pháp chiến đấu mới để khắc chế võ thuật của kẻ địch. Do tư duy và kỹ năng võ thuật của mỗi người nên đã hình thành nhiều môn Nam quyền khác nhau. Tương truyền, lao ni Ngũ Mai, một trong “Ngũ tổ” đã chứng kiến một cuộc chiến đấu giữa hạc và cáo (có thuyết là giữa hạc và rắn), bà đã ngộ ra một môn quyền thuật mới hiệu quả hơn quyền thuật Thiếu Lâm truyền thống. Trên đường đến vùng Vân Nam, bà đã gặp một cô gái là Nghiêm Vịnh Xuân làm nghề bán đậu phụ, sống với cha, và đang bị một tên lục lâm thảo khấu ép buộc phải cưới hắn. Bà đã dạy cho Nghiêm Vịnh Xuân môn quyền thuật do bà mới sáng tạo ra. Nhờ vào môn quyền thuật này, Nghiêm Vịnh Xuân đã chiến thắng tên cướp trong một trận quyết đấu. Sau đó, Vịnh Xuân kết hôn với Lương Bác Trù, truyền dạy môn võ thuật này cho chồng, và lưu truyền dưới tên gọi Vịnh Xuân quyền. Một thuyết khác cho rằng Ngũ Mai truyền Bạch Hạc quyền cho Miêu Thuận, sau đó ông kết hợp với Xà Hình quyền ở núi Nga Mi, sang lập ra Nga Mi Thập Nhị công, rồi truyền cho đệ tử duy nhất là Nghiêm Nhị và Nghiêm Nhị truyền lại cho Nghiêm Vịnh Xuân và Lương Bác Trù. Đó là những kỹ thuật nguyên thủy của Vịnh Xuân quyền. Theo thời gian, dòng Vịnh Xuân quyền của Lương Bác Trù có sự giao thoa, trao đổi với dòng võ thuật Hồng Thuyền Hội quán của Hoàng Hoa Bảo, Lương Nhị Đệ, Đại Hoa Diện Cẩm…, là những người đã được chân truyền của Chí Thiện Vĩnh Xuân quyền. Sự giao thoa, kết hợp này đã tạo nên đa số các dòng Vĩnh Xuân quyền hiện đại. Môn Vĩnh Xuân quyền được bắt đầu phổ biến vào khoảng 1800-1850, đời Gia Khánh nhà Thanh.
Nhưng theo những tài liệu lịch sử, di tích khảo cổ và theo lịch sử lưu truyền trong một số dòng Vĩnh Xuân quyền ở Phúc Kiến và Phật Sơn, như Bành Nam Vĩnh Xuân quyền, Chí Thiện Vĩnh Xuân quyền, Hồng Hoa Nghĩa Vĩnh Xuân quyền, và theo những thông tin từ các tổ chức bí mật như Hồng Hoa hội, Thiên Địa hội, Hội Tam Hoàng…, đồng thời theo những nghiên cứu mới nhất của Bảo tàng Vịnh Xuân quyền dòng Diệp Vấn thì huyền thoại về Ngũ Mai và Nghiêm Vịnh Xuân nói trên chỉ là huyền thoại.
Muốn tìm về nguồn gốc của môn Vĩnh Xuân quyền, người ta phải tìm về lịch sử Trung quốc thời kỳ quân đội Mãn Thanh vượt qua biên ải, giết Sấm vương Lý Tự Thành là kẻ đã thoán ngôi của Hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh, lập nên triều đại nhà Thanh thống trị Trung quốc hơn 300 năm. Sự thống trị của triều đình ngoại bang đã làm dấy lên trong phong trào “Phản Thanh phục Minh” nhằm lật đổ triều đình Mãn Thanh và khôi phục nhà Minh trong mọi tầng lớp nhân dân Trung quốc. Các tướng lĩnh quân sự và quan lại nhà Minh chạy trốn quân đội Mãn Thanh đã cải trang, lẩn trốn trong nhân dân. Rất nhiều trong số đó đã chọn các đền chùa làm nơi ẩn náu, và đã lợi dụng khả năng về võ thuật và tinh thần yêu nước của giới tăng nhân, đạo sĩ để biến đền chùa, miếu mạo thành những trung tâm tuyên truyền, liên lạc và đào tạo lực lượng phản Thanh phục Minh. Các ngôi chùa Thiếu Lâm tại Trung quốc cũng không ra khỏi ngoại lệ này.
Tiếp đó, chúng ta cần phải xem xét về lịch sử các ngôi chùa Thiếu Lâm tại Trung quốc. Ở Trung quốc, không chỉ có một ngôi chùa Thiếu Lâm như nhiều người vẫn tưởng. Ngôi chùa Thiếu Lâm được giới võ lâm coi là ngôi chùa Thiếu Lâm chính thức tọa lạc tại ngọn Thiếu Thất, dãy Tung Sơn, tỉnh Hà Nam, được xây vào năm thứ 20 đời Thái Hòa nhà Bắc Ngụy. Đây chính là nơi Bồ Đề Đạt Ma đã tới tu hành, diện bích chín năm và lập ra Phật giáo Thiền Tông Trung Hoa. Còn chùa Bắc Thiếu Lâm ở Bàn Sơn, là nơi chỉ chuyên nghiên cứu về y lý và Phật học, không nghiên cứu võ thuật.
Ngoài ra có ba ngôi chùa Nam Thiếu Lâm, một tại Bồ Điền (hay còn gọi là Phủ Điền), một tại Toàn Châu và một tại Phúc Thanh, đều thuộc tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung quốc. Trong đó, ngôi chùa Nam Thiếu Lâm tại Bồ Điền, xây vào thời Nam Bắc Triều (khoảng 557 sau Công nguyên), bị vua Khang Hy đốt vào khoảng cuối thế kỷ 17 (vào khoảng 1673-1691, theo nhiều tài liệu lịch sử khác nhau), là nơi đã phát xuất môn Vĩnh Xuân quyền. Ngôi chùa Nam Thiếu Lâm Toàn Châu bị vua Càn Long đốt vào khoảng năm 1763. Có thuyết cho rằng chùa này bị đốt hai lần, một lần do vua Ung Chính, một lần do vua Càn Long, nhưng không có căn cứ lịch sử. Một ngôi chùa Nam Thiếu Lâm khác được Bộ Văn hóa và Khảo cổ Trung quốc công nhận là chùa Nam Thiếu Lâm Phúc Thanh. Ngôi chùa Nam Thiếu Lâm tại Bồ Điền được Bộ Văn hóa và Khảo cổ Trung quốc nghiên cứu và công nhận vào khoảng năm 1992, và được phục chế vào khoảng 2001-2005. Tại ngôi chùa này, khi khai quật, người ta đã tìm thấy những di tích liên quan tới các tổ chức phản Thanh phục Minh như Thiên Địa hội, Hồng Hoa đình, Vĩnh Xuân đường.
Vào thời kỳ này, có một số phản đồ Thiếu Lâm đã tiết lộ võ thuật Thiếu Lâm cho quân đội Mãn Thanh. Do đó, lực lượng phản Thanh phục Minh cần phải có một phương pháp chiến đấu khác hữu hiệu hơn võ thuật Thiếu Lâm truyền thống. Đồng thời, quân đội Minh triều đã tan rã, nên giới tướng lĩnh quân sự Minh triều và giới lãnh tụ khởi nghĩa cần phải có một phương pháp huấn luyện mới thật hiệu quả, nhanh chóng để trong một thời gian ngắn có thể đào tạo ra một lực lượng chiến đấu đủ sức chống lại quân đội Mãn Thanh thiện chiến. Chính tại Vĩnh Xuân đường của ngôi chùa Nam Thiếu Lâm Bồ Điền, đại sư Nhất Trần, là người đã dẫn một số tăng lữ cao thủ từ chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam đến, cùng với những tướng lĩnh quân sự nhà Minh chạy trốn sự truy sát của quân đội Mãn Thanh, trong đó nổi bật nhất là Trương Ngũ (còn gọi là Tản Thủ Ngũ – theo tên gọi của kỹ thuật Tản Thủ trong Vĩnh Xuân quyền) đã nghiên cứu và sáng tạo ra một môn khoa học chiến đấu mới, sau này mang tên gọi là Vĩnh Xuân quyền – Mùa Xuân vĩnh hằng.
Môn Vĩnh Xuân quyền được phát triển dựa trên việc rút tỉa các kỹ thuật chiến đấu hiệu quả nhất của Nam Thiếu Lâm, kết hợp với tinh hoa chiến đấu của giới tướng lĩnh quân sự nhà Minh, để vượt lên khỏi giới hạn là một môn võ thuật, trở thành một môn Khoa học Chiến đấu. Kỹ thuật Vĩnh Xuân quyền nhấn mạnh vào tính đơn giản, hiệu quả, trực tiếp, tận dụng tối đa cấu trúc của cơ thể, các nguyên tắc về thư giãn và thăng bằng. Chiến thuật Vĩnh Xuân quyền dựa trên sự nghiên cứu và vận dụng chặt chẽ các nguyên lý về y học, khí công, nội lực, tính hiệu quả về khoảng cách, nguyên lý vận động. Chiến lược Vĩnh Xuân quyền nghiên cứu và vận dụng một cách khoa học về không gian, thời gian, ý, khí, lực, kình, kiểm soát và vận dụng không gian – thời gian và công lực để mang lại hiệu quả tối đa trong chiến đấu với cố gắng tối thiểu. Đồng thời, những bậc cao thủ sáng tạo ra môn Vĩnh Xuân quyền cũng tạo ra hai phương pháp huấn luyện độc lập. Phương pháp thứ nhất là Huấn luyện về khoa học, nguyên tắc, khái niệm cho các lãnh tụ, tướng lĩnh, là những người có trách nhiệm huấn luyện và đào tạo lực lượng. Phương pháp thứ hai là Huấn luyện kỹ thuật, thông qua việc học tập và rèn luyện kỹ thuật, tập đi tập lại liên tục, để đào tạo ra lực lượng chiến đấu thực dụng, hiệu quả, có thể tham gia chiến trận được ngay. Hai phương pháp huấn luyện này được sử dụng một cách nhất quán trong suốt quá trình huấn luyện lực lượng chiến đấu “phản Thanh phục Minh” qua nhiều thế hệ khác nhau của Hồng Hoa hội, trong môn phái Hồng Hoa Nghĩa Vĩnh Xuân quyền. Trong các dòng Vĩnh Xuân quyền hiện đại, tùy theo nguồn gốc xuất thân và sự cảm thụ riêng của từng người mà phương pháp huấn luyện trở thành khác nhau.
Một thể hiện về việc vận dụng hai phương pháp huấn luyện khác nhau có thể được ghi nhận vào thời kỳ sau này là phương pháp truyền dạy Vĩnh Xuân quyền của Vịnh Xuân quyền vương Lương Tán. Ông là đệ tử của hai cao thủ trong Hồng Thuyền hội quán là Hoàng Hoa Bảo và Lương Nhị Đệ. Sau này, khi ông dạy Vĩnh Xuân quyền ở Phật Sơn cho những bậc thân hào, nhân sĩ, ông đã dùng phương pháp huấn luyện cơ bản “Tiểu Niệm Đầu” (Siu Nim Tau – Những ý tưởng nhỏ lúc ban đầu), là phương pháp dạy toàn bộ cả y lý, cấu trúc cơ thể, khoa học về không thời gian, động lực học, nguyên tắc âm dương, ngũ hành. Về sau, khi về hưu tại quê nhà ở làng Cổ Lao, ông lại dạy căn bản cho những học trò tại làng Cổ Lao theo phương pháp Tiểu Luyện Đầu (Siu Lil Tau – Những luyện tập nhỏ lúc ban đầu), chủ yếu nhấn mạnh vào việc lặp đi lặp lại cho đến mức thành thục một hệ thống chọn lọc các vận động về luyện nội lực, quyền cước cho đến khi có khả năng chiến đấu, và cách vận dụng kỹ thuật trực tiếp vào chiến đấu.
Sau khi truyền ra khỏi Vĩnh Xuân đường của Nam Thiếu Lâm, hai hệ thống Tiểu Niệm Đầu và Tiểu Luyện Đầu trở nên tam sao thất bản, nên mỗi dòng Vĩnh Xuân quyền đào tạo một khác và có ý kiến khác nhau về phần nền móng căn bản của môn Vĩnh Xuân quyền.
Khi quân đội Mãn Thanh dưới triều vua Khang Hy hỏa thiêu chùa Nam Thiếu Lâm Bồ Điền, đốt ra tro Hồng Hoa đình, san bằng Vĩnh Xuân đường, những cao thủ Vĩnh Xuân quyền thoát khỏi sự truy sát của triều đình đã đổi tên môn phái từ Vĩnh Xuân quyền – Mùa xuân vĩnh hằng sang Vịnh Xuân quyền – Ca ngợi mùa xuân và rút vào hoạt động bí mật, với ý định sau khi tiêu diệt nhà Thanh, dựng lại nhà Minh thì sẽ xây dựng lại chùa Nam Thiếu Lâm, khôi phục Vĩnh Xuân đường và lấy lại tên chính thống của môn phái. Dự định này đã không bao giờ thành hiện thực, vì nhà Minh không bao giờ được khôi phục. Từ đó, môn phái mang cả hai tên Vĩnh Xuân quyền và Vịnh Xuân quyền, tùy theo dòng họ, hệ phái.
Sau vụ Hỏa thiêu Nam Thiếu Lâm, môn phái Hồng Hoa Nghĩa Vĩnh Xuân quyền được lưu truyền bí mật trong phạm vi Hồng Hoa hội, và được dạy ra bên ngoài cho một số lực lượng chiến đấu và quần chúng dưới tên gọi Vịnh Xuân quyền. Trương Ngũ, người sau này chạy thoát về vùng Phật Sơn, thành lập Hồng Hoa hội quán ở đây được coi là ông tổ đời thứ nhất của Hồng Hoa Nghĩa Vĩnh Xuân quyền, đồng thời là ông tổ của nghệ thuật kinh kịch miền Nam Trung quốc. Thông tin về Trương Ngũ có thể được tìm thấy trong tài liệu lịch sử về Lịch sử kinh kịch Trung quốc và Nghệ thuật kinh kịch miền Nam Trung Hoa. Về sau, Trương Ngũ do trốn chạy sự truy sát của triều đình Mãn Thanh, phải về thoái ẩn trong một gia đình thế phiệt họ Trần, và truyền dạy toàn bộ hệ thống Hồng Hoa nghĩa Vĩnh Xuân quyền cho gia đình này, cho đến một truyền nhân khá nổi tiếng trong giới lãnh tụ khởi nghĩa là Hồng Cân Bửu.
Một số cao thủ dưới sự đào tạo của thiền sư Chí Thiện trốn chạy khỏi vụ hỏa thiêu Nam Thiếu Lâm gia nhập vào các con thuyền kinh kịch ngược xuôi miền Nam Trung hoa. Tại đây, họ cũng truyền dạy hệ thống chiến đấu có tên gọi là Chí Thiện Vĩnh Xuân quyền. Tuân theo lời thề giữ bí mật của Vĩnh Xuân đường, họ đã không truyền lại toàn bộ hệ thống Vĩnh Xuân quyền.
Về sau, do hoạt động khởi nghĩa, Hồng Cân Bửu có sự tiếp xúc với Hồng Thuyền Hội quán, và tạo nên sự giao thoa một lần nữa giữa một hệ thống Vĩnh Xuân quyền hoàn chỉnh của Vĩnh Xuân quyền nguyên gốc và Chí Thiện Vĩnh Xuân quyền. Nhưng theo như những tài liệu gia truyền trong dòng Chí Thiện Vĩnh Xuân quyền và Hồng Hoa nghĩa Vĩnh Xuân quyền, bên ngoài sự bí mật của Hồng Hoa hội, không một dòng Vĩnh Xuân quyền nào được truyền toàn bộ hệ thống Vĩnh Xuân quyền như một Khoa học Chiến đấu nguyên gốc từ Vĩnh Xuân đường.
Mãi sang tới thế kỷ hai mươi, truyền nhân đời thứ tám của Hồng Hoa nghĩa Vĩnh Xuân quyền là Chu Kính Hùng mới nghiên cứu, trao đổi và thảo luận với các cao thủ Vĩnh Xuân quyền tại Phật Sơn, Trung quốc và nhiều miền khác, để công bố rộng rãi toàn bộ hệ thống Vĩnh Xuân quyền. Tuy nhiên nhiều người dạy và luyện tập Vĩnh Xuân quyền ít chú ý trao đổi thông tin, giao lưu, du lịch, tham khảo các môn phái và phả hệ… thì vẫn không để ý tới những thông tin này.
Sau khi chùa Nam Thiếu Lâm Bồ Điền bị hỏa thiêu, các cao thủ Vĩnh Xuân quyền rút vào bí mật và môn phái được đổi tên thành Vịnh Xuân quyền. Huyền thoại về lão ni Ngũ Mai và Nghiêm Vịnh Xuân được đặt ra để che giấu sự bí mật của nguồn gốc môn phái, và để có thể truyền dạy môn phái rộng rãi ra đại chúng. Chữ Nghiêm được đặt thêm vào trước tên Vịnh Xuân, chính là để nhắc nhở về lời thề giữ bí mật của Vĩnh Xuân đường.
Về sau, từ Hồng thuyền Hội quán và các cao thủ Vĩnh Xuân quyền khác, môn Vĩnh Xuân quyền bắt đầu được phổ biến rộng rãi trong dân gian, và cho ra đời rất nhiều hệ phái Vĩnh Xuân quyền khác nhau. Sau thời kỳ Hồng thuyền Hội quán, tài liệu về phả hệ các dòng Vĩnh Xuân quyền phổ biến trong quần chúng có khá đầy đủ, và được ghi chép trong nhiều tài liệu lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, nguồn gốc ban đầu của môn Vĩnh Xuân quyền – theo như nhiều người luyện Vĩnh Xuân quyền – vẫn còn nằm trong màn sương khói. Tất nhiên là chỉ trừ đối với một số người chịu khó đọc tài liệu lịch sử tiếng Anh, tiếng Hán, giao lưu với nhiều dòng Vĩnh Xuân quyền khác nhau trên thế giới và nói được tiếng Quảng Đông.
Tuy vậy cũng có thể tin chắc là Vĩnh Xuân quyền phát sinh và phát triển ở miền Nam Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở Phật Sơn, với nhiều nhân vật trọng yếu trong Hồng Thuyền và Hồng Hoa hội, rất có thể có liên hệ khá chặt chẽ với Thiên Địa hội. Khi bị nhà Thanh trấn áp, các vị lãnh tụ Vĩnh Xuân quyền di tản đi rất nhiều nơi và cả sang nhiều nước vùng phía Nam, Đông Nam Trung Quốc như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonisia, Singapore… và truyền dạy Vĩnh Xuân quyền tại đó. Ngoài Hồng Kông, Phật Sơn, khoảng gần 20 chi phái Vĩnh Xuân quyền được biết đến với những điểm chung cũng như những điểm riêng của mỗi chi phái.
2. Một số dòng phái Vĩnh Xuân quyền
Hiện nay Vĩnh Xuân quyền là một trong số những môn võ phát triển quy mô bậc nhất thế giới, trải rộng trên 140 quốc gia với rất nhiều hệ phái, trong đó có 3 hệ phái chủ đạo do Hiệp hội Vịnh Xuân quyền Thế giới phân loại là Vịnh Xuân quyền Hồng Kông của đại sư Diệp Vấn; Vịnh Xuân quyền Phật Sơn của đại sư Nguyễn Kỳ Sơn và Vĩnh Xuân quyền của đại sư Nguyễn Tế Vân, gồm Chi phái Diêu Tài Xà hình ở Phật Sơn và ở Việt Nam. Từ năm 1939 đến 1954, ở Hàng Buồm, Hà Nội, thu nhận học trò và truyền dạy ở Phật Sơn khởi phát từ Nguyễn Tế Công. Tuy nhiên, trong Vịnh Xuân quyền toàn tập, Robert Chu, Réne Ritchie, Y. Wu đã hệ thống Vĩnh Xuân quyền thế giới thành các chi phái sau: Lưu ý, trong tên Hán tự của các hệ phái, một số hệ phái ghi rõ ràng Vĩnh Xuân quyền, thay vì Vịnh Xuân quyền.
2.1. Các chi phái chính
– Diệp Vấn Vịnh Xuân quyền, phát triển mạnh tại Hồng Kông và phương Tây.
– Nguyễn Kỳ Sơn Vịnh Xuân quyền.
– Cổ Lao Vịnh Xuân quyền, phát xuất từ ngôi làng cùng tên Cổ Lao.
– Nam Dương Vịnh Xuân quyền.
– Bành Nam Vĩnh Xuân quyền.
– Bào Hoa Liên Vĩnh Xuân quyền.
– Hồng thuyền Vĩnh Xuân quyền.
– Chí Thiện Vĩnh Xuân quyền.
2.2. Các chi phái khác
– Phật Sơn Vịnh Xuân Quyền.
– Hồng thuyền hí ban Vĩnh Xuân Quyền.
– Vịnh Xuân quyền Malaysia dòng phái do Diệp Kiên phát triển từ năm 1930.
– Thiên thân Vịnh Xuân quyền có gốc khởi từ lương y Lương Tán tại làng Cổ Lao.
– Vĩnh Xuân quyền Việt Nam do Nguyễn Tề Công truyền vào trước năm 1945.
– Diêu Kỳ Vĩnh Xuân quyền do Diêu Tài sang lập.
2.3. Các chi phái Vịnh Xuân tổng hợp
Một số dòng phái như Vịnh Xuân Thái cực quyền là sự kết hợp kỹ pháp của Vịnh Xuân quyền truyền thống với Thái cực quyền, hoặc Vịnh XuânTriệt quyền đạo do Lý Tiểu Long khai sáng qua sự tổng hòa kungfu với những môn võ hiện đại như Taekwondo, Karatedo, quyền Anh.
3. Các tôn sư môn phái
3.1. Giai thoại
– Lão ni Ngũ Mai, còn gọi là sư thái Ngũ Mai, tương truyền là người đã sáng tạo những công phu tiền khởi của Vịnh Xuân quyền khi quan sát xà hạc tương tranh.
– Thiền sư Chí Thiện, tương truyền là người đã truyền công phu Lục điểm bán côn vào Vĩnh Xuân quyền, cũng là nhân vật sáng tổ phái Chí Thiện Vĩnh Xuân quyền.
– Nghiêm Vịnh Xuân, đệ tử của Ngũ Mai, đã hệ thống hóa kiến thức do sư phụ truyền dạy, sau truyền cho chồng là Lương Bác Trù.
– Miêu Thúy Hoa, con gái của Miêu Hiển và là mẹ của Phương Thế Ngọc, tương truyền đã truyền vào Vịnh Xuân quyền công phu Bát trảm đao.
– Lương Bác Trù là cao đồ của Thiếu Lâm, chồng của Nghiêm Vịnh Xuân.
– Lương Lan Quế.
– Trương Ngũ, còn gọi là Than thủ ngũ, biệt danh “kẻ nghiền xương” vì những đòn đấm tam tinh 1 inch bẻ gãy xương nhiều đối thủ.
– Lục Cẩm (biệt hiệu Đại Hoa Diện Cẩm)
– Lương Nhị Tỷ và Hồng thuyền hội quán.
3.2. Lịch sử
– Lương Nhị Để, truyền nhân Khâm Châu Xà hình hồng quyền, sư phụ đầu tiên của Lương Tán.
– Hoàng Hoa Bảo, truyền nhân Tứ Xuyên Mai hoa quyền Vịnh Xuân, sư phụ thứ 2 của Lương Tán.
– Lương Tán, hành nghề y, nổi tiếng Vịnh Xuân quyền tại Cổ Lao
– Lương Bích, con Lương Tán, sư phụ thứ hai của Diệp Vấn
– Trần Hoa Thuận, đệ tử Lương Tán, sư phụ đầu tiên của Diệp Vấn.
– Ngô Trọng Tố, đại đệ tử của Trần Hoa Thuận.
– Diệp Vấn, chưởng môn Vịnh Xuân quyền Hồng Kông, tôn sư của Lý Tiểu Long
– Nguyễn Tế Công hay Nguyễn Tề Công, tổ sư Vĩnh Xuân quyền Việt Nam.
– Nguyễn Kỳ Sơn là em Nguyễn Tế Công
II. SƠ LƯỢC SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG QUYỀN THUẬT CỦA SƯ TỔ NGUYỄN TẾ VÂN
1. Sơ lược lịch sử
Trong cộng đồng võ thuật Việt Nam, ngoài Võ cổ truyền dân tộc, người ta thường nhắc đến Thiếu Lâm, Võ Đang, Côn Lôn, Bạch Hạc, Sơn Đông, Không Động, Nhu đạo, Nhu thuật, Hiệp khí đạo, Không thủ đạo, Thái cực đạo, Pen cat Silat, Quyền Thái, Quyền Anh…, nhưng rất ít người biết đến Vĩnh Xuân quyền. Cho đến vài ba thập niên trước đây, Vĩnh Xuân quyền là một môn võ còn ít được biết đến, ngay cả ở Trung Quốc cũng như ở phương Tây. Quả thật, người Việt Nam đã có “cơ duyên” được truyền dạy Vĩnh Xuân quyền từ khá sớm, từ đầu những năm đầu thế kỷ XIX – trước Hồng Kông khoảng 3, 4 thập kỷ.
Sư tổ của Vĩnh Xuân quyền Việt Nam là Nguyễn Tế Công, tên thật là Nguyễn Tế Vân (Yuen Chai Wan) là anh trai của quyền sư Vĩnh Xuân quyền nổi tiếng Nguyễn Kỳ Sơn (Yuen Kay Shan, 1889-1956), con trai của thương gia Nguyễn Long Minh – có xưởng pháo hoa ở Phật Sơn. Ông thường được biết với tên Nguyễn Lão Tứ. Khi còn nhỏ ông bị thủy đầu để lại sẹo vĩnh viễn trên mặc nên ông có biệt danh “đậu bì Tế”. Đầu tiên Nguyễn Tế Vân học Thiếu Lâm Vĩnh Xuân quyền, sau đó đến khoảng năm 1923, ông cùng em trai học Vĩnh Xuân quyền từ bộ đầu ở Phật Sơn là Khâm Châu Hoắc Bảo Toàn, giỏi về đao pháp, với biệt danh là “Hoắc song đao”, là truyền nhân của Vĩnh Xuân Xà Hình Hoàng Hoa Bảo và Chí Thiện Vĩnh Xuân Đại Hoa Diện Cẩm trên Hồng Thuyền. Sau khi học được nhiều năm, họ đã làm chủ được các bài Tiểu niệm đầu, Tản thức, Bát thức tán đả Trúc thung, Vòng xuyến, Phi tiêu, Nhị tự đao, côn và kỹ năng thiết thủ (biến thể của Thiết sa chưởng).
Đến khoảng năm 1923, họ mời đồng môn của Hoắc Bảo Toàn là Phùng Thiếu Thanh về nghỉ hưu tại gia đình. Phùng Thiếu Thanh (khoảng 1863-1936) là người xứ Thuận Đức – Quảng Đông, đến Quảng Châu học nghề may tại tiệm may Long Phụng và được Đại Hoa Diện Cẩm chân truyền Vĩnh Xuân quyền, ông từng là quan án sát Quảng Châu hoặc cận vệ của thống đốc Tứ Xuyên. Anh em Nguyễn Tế Vân được Phùng Thiếu Thanh dạy thêm về kỹ năng cận chiến, cầm nã, vật, khóa, Thung quyền, 108 Mộc nhân thung, Lục điểm bán côn, Côn thung và Ngũ hình khí công. Ông qua đời vào năm 1936, được anh em Nguyễn Tế Vân chủ trì tang lễ.
Nguyễn Tế Vân cũng như em trai của mình, dạy rất ít đệ tử. Ở Phật Sơn, Diêu Tài (1890-1956) là đệ tử duy nhất. Diêu Tài đã học Tiểu niệm đầu (có thể là một bài quyền gồm 3 phần có chứa các kỹ thuật của 3 bài quyền cơ bản của Vĩnh Xuân quyền), Trúc thung, Nhị tự kiềm dương đoạt mệnh đao, Bát thức tán đả Trúc thung, Tản thức trong gần 15 năm. Sau đó, Nguyễn Tế Vân giới thiệu Diêu Tài đến học thêm Tầm kiều, Phiêu chỉ và Lục điểm bán côn với Ngô Trọng Tố. Ngô Trọng Tố (1876-1970) là đệ tử của Trần Hoa Thuận, truyền nhân của Vịnh Xuân quyền vương Lương Tán (đồng môn của Hoắc Bảo Toàn) và Lương Nhị Thái (truyền nhân Lục điểm bán côn của Chí Thiện, đồng môn của Phùng Thiếu Thanh).
Đến năm 1936, sau khi Phùng Thiếu Thanh mất, Nguyễn Tế Vân được mời dạy võ cho hội thương gia người nước ngoài ở Thuận Đức, Nam Hải và Việt Nam. Không rõ vì những lý do gì, Nguyễn Tế Vân đã chuyển đến sống tại Hà Nội, nơi ông được biết đến với tên mới là Nguyễn Tế Công, tức là ông Nguyễn Tế. Do cuộc sống khó khăn, Nguyễn Tế Vân buộc phải dạy võ và mở hiệu thuốc nắn bó xương để kiếm sống.
Đến năm 1955, Nguyễn Tế Vân chuyển vào Sài Gòn, dạy võ và mở hiệu thuốc nắn bó xương lần thứ 2 ở khu vực chợ Lớn. Ông đã đào tạo thêm các đệ tử Nguyễn Duy Hải (Hồ Hải Long), Ngô Sỹ Quý, Lục Viễn Khai và một số người khác. Ông đã qua đời vào năm 1960, thọ tuổi 84.
Hiện nay có rất nhiều hiểu lầm về danh tánh và nơi ở của ông. Một số câu truyện cho rằng ông đến Việt Nam để kinh doanh. Các đệ tử ở Việt Nam cũng cố gắng thêm vào lịch sử võ học của ông, là ông từng học Vịnh Xuân quyền với Lương Tán, đây là điều không chính xác. Lai lịch và quá trình học võ của ông được xác định tại Hội Vĩnh Xuân quyền Phật Sơn.
2. Hệ thống quyền thuật của Nguyễn Tế Vân
Có lẽ, Nguyễn Tế Vân đã truyền thụ Vĩnh Xuân quyền theo 2 giáo trình riêng biệt ở Việt Nam. Ông truyền lại cho người Hoa ở Việt Nam cùng một giáo trình mà ông đã truyền cho Diêu Tài ở Phật Sơn, với sự bổ sung Lục điểm bán côn và Mộc nhân thung. Đối với đệ tử người Việt, dường như ông chỉ truyền dạy Tiểu niệm đầu, Mộc nhân thung và Lục điểm bán côn. Các thế hệ sau này của các đệ tử ở Việt Nam có vẻ đã thêm vào một số lượng lớn các kỹ thuật quyền pháp không phải của Vĩnh Xuân quyền. Ngay cả việc thay đổi truyền khẩu về nguồn gốc dòng Vĩnh Xuân quyền của Nguyễn gia, truyền dần từ Ngũ Mai – Nghiêm Nhị – Lương Bác Trù xuống Hoàng Hoa Bảo, Lương Nhị Thái, Đại Hoa Diện Cẩm và La Vãn Cung.
– Giáo trình cho người Hoa trong thời gian ở Việt Nam: Tiểu niệm đầu, Tản thức, 108 Mộc nhân thung, Nhị tự kiềm dương đoạt mệnh đao, Lục điểm bán côn, Khuyên thủ, Niêm thủ. Diêu Kỳ cho rằng Diêu Tài đã học bài “Tiểu niệm đầu” giống như bài quyền của dòng Cho gia, một bài bao gồm: Tiểu niệm đầu, Tầm kiều và Phiêu chỉ. Diêu Kỳ thuật lại rằng cha ông đã học từ Nguyễn Tế Vân trong vòng 15 năm, ông cũng đã học Tản thức, Trúc thung, Vòng xuyến và Nhị tự đao. Thật khó để xác định xem đây là thông tin chính xác mà Diêu Kỳ có liên quan hay không. Vì nó sẽ có vẻ rằng Nguyễn Tế Vân có kiến thức chính xác giống em trai của ông, Nguyễn Kỳ Sơn, như họ đã học được cùng sư phụ. Có thể Nguyễn Tế Vân bất đắc dĩ phải dạy Vĩnh Xuân quyền, cũng giống Nguyễn Kỳ Sơn, chỉ có 1 đệ tử chân truyền là Sằm Năng.
Tại Sài Gòn, Nguyễn Tế Vân truyền dạy Mộc nhân thung thay vì Trúc thung. Ông cũng dạy Lục điểm bán côn. Một điều thú vị, nhận thấy bởi Viện nghiên cứu Vịnh Xuân quyền, đó là anh em họ Nguyễn chỉ có thể dạy đệ tử những gì họ đã học được từ sư phụ đầu tiên, Hoắc Bảo Toàn, lúc Nguyễn Tế Vân đang dạy Diêu Tài. Vào khoảng năm 1933, khi Phùng Thiếu Thanh chuyển đến sống tại nhà anh em họ Nguyễn, họ mở rộng học hỏi thêm từ ông ấy, có thể là bài 108 Mộc nhân thung và Lục điểm bán côn là tài liệu mà họ chưa được học cho đến khi gặp Phùng Thiếu Thanh. Do đó, Nguyễn Tế Vân không thể dạy những điều mà ông không nắm chắc về sau năm 1933.
3. Hệ thống Vĩnh Xuân quyền Việt Nam
Đệ tử người Việt của Nguyễn Tế Vân có một chương trình đào tạo hoàn toàn khác những gì Nguyễn Tế Vân dạy tại Phật Sơn hoặc với những gì ông đã dạy người Hoa tại Việt Nam. Các chương trình đào tạo khác nhau tại Việt Nam (trong đó cũng được cho là thay đổi từ Bắc vào Nam) có thể là kết quả do các đệ tử Nguyễn Tế Vân thêm vào trong tài liệu. Theo điều tra, các cơ chế được sử dụng trong rất nhiều các bài tập không phải xuất xứ từ Vĩnh Xuân quyền. Có thể là Nguyễn Tế Vân chỉ lưu truyền các vật liệu: Tiểu niệm đầu, Mộc nhân thung, Lục điểm bán côn và phần còn lại của các bài tập đã được thêm vào từ các thế hệ sau.
Giáo trình giảng dạy của các đệ tử ở Việt Nam: Tiểu niệm đầu, Ngũ hình khí công, Tiểu mai hoa, Đại mai hoa, Hạc hình thủ bộ, Mộc nhân thung, Lục điểm bán côn, Kiếm pháp, Phi tiêu.
4. Các đệ tử của Nguyễn Tế Vân
4.1. Võ sư Diêu Tài, sinh năm Quang Tự nhà Thanh thứ mười sáu (năm 1890-1856), tên gọi Tài lực sĩ, Tài béo, có sức khỏe kinh người, có thể dang hai tay treo một bồ thóc nâng lên nhẹ nhàng mà mặt không biến sắc. Từ nhỏ theo thầy Nguyễn Tế Vân học võ, được thầy truyền dạy bài bản chuyên sâu, hơn nữa từ nhỏ vốn đã mê võ nên dưới sự chỉ bảo nhiệt tâm của Thầy và ngày đêm khổ luyện đã đạt trình độ cao thâm võ thuật trong vòng mười năm. Truyền kỳ về Diêu Tài lúc sinh thời rất nhiều, những năm 20 đã từng hạ đổ võ sư nổi tiếng ở Nam Hải người tự lập ra võ đài, người này tự nhận mình là người có võ thuật phi thường, có cây gỗ bằng miệng bát mà chỉ dùng tay gạt một cái thì gãy, tự nhận đánh bại tất cả cao thủ võ lâm ở Nam Hải, Phật Sơn, mấy cao thủ lên đài tỷ thí đều bị thua hết. Lúc đó Diêu Tài ở dưới đài thấy rất bực tức nói một mình thì bị phát giác, ép không lên võ đài không được, sau khi Diêu Tài lên đài với tuyệt kỹ võ công Vĩnh Xuân quyền mượn lực đánh lực, đánh cho tên võ sư này rơi khỏi võ đài, tên võ sư này không còn gì để nói nữa, tâm phục khẩu phục, chỉ còn biết cuốn gói rời khỏi Quảng Đông về quê, tất cả anh em bạn bè đều võ tay lấy làm vui.
Cuối năm Gia Khánh, Hoàng Hoa Bảo võ sinh hội quán Quỳnh Hoa Phật Sơn và Nhị Hoa Diện Lương Nhị Thể xuống Hồng Thuyền diễn xuất (gánh hát) ở đây đã gặp Lương Bá Trù, hay biết tinh tuý môn Vĩnh Xuân quyền, có ý được theo học, Lương Bá Trù nhận lời thu nhận hai người làm đồ đệ, là đệ tử chân truyền của Lương.
Mấy năm trôi qua, ở chấn Phật Sơn có người tên Lương Tán người làng Cổ Lao Tam Châu huyện Hạc Sơn. Cha của Lương Tán vốn là ông chủ hiệu thuốc, mở tiệm thuốc Sinh Thảo ở Phật Sơn, sống bằng nghề bán thuốc. Lương Tán từ nhỏ đã thích học y thuật, theo cha lên Sinh Thảo đường để phụ việc, tích cực học y thuật, đặc biệt chuyên khoa về cao trị chấn thương, có tâm nghiên cứu nhưng vẫn chưa có được bao nhiêu thành tựu. Sau khi cha qua đời, Lương mở rộng tìm thầy bạn bè, sau gặp gỡ Hoàng Hoa Bảo ở hội quán Quỳnh Hoa và kết giao bạn bè.
Hoàng Hoa Bảo và nhóm người ở gánh hát trong diễn võ thuật đã sớm nổi danh ở vùng Quảng Đông, lúc đó Hoàng Hoa Bảo sống ở phố Thanh Vân chợ Khoái Tử chỉ cách tiệm thuốc của Lương Tán có trăm bước, Hoàng Hoa Bảo thường sang nhà Lương Tán ngồi chơi, sau kết thành bạn thân. Lương Tán thấy Hoàng Hoa Bảo là người tinh thông môn võ Vĩnh Xuân quyền, nên bái Hoàng Hoa Bảo làm thầy. Mấy năm sau, Hoàng Hoa Bảo theo thuyền đi biểu diễn. Khi chia tay Hoàng Hoa Bảo gặp sư đệ Lương Nhị Thể, hai người vốn rất thân với nhau nên thân lại càng thân, do vậy nhờ Lương Nhị Thể bồi dưỡng cho Lương Tán để kế tục võ thuật họ Hoàng và Lương, vậy nên Lương Tán là đệ tử chân truyền của Hoàng Hoa Bảo. Lương Nhị Thể không những tinh thông võ thuật, y thuật cũng vô cùng thâm hậu, dưới sự tận tâm truyền dạy, hơn nữa Lương Tán thông minh, y võ đều đạt thành công. Lúc đó đã vào năm cuối Đạo Quang, Lương tiếp tục hành y cứu thế, mở hiệu thuốc Tán Sinh Đường, kiêm y nắn bó gãy xương. Lương là người làm việc thiện, được lòng mọi người và quảng giao rộng rãi giang hồ hào kiệt có tên gọi “Vĩnh Xuân quyền Vương – ông Tán Phật Sơn” nổi tiếng khắp vùng Phật Sơn. Nhưng đệ tử được Lương Tán truyền dạy không nhiều vì Lương Tán là con người chất văn, thư sinh, không thích dạy võ cho người, chỉ dậy võ cho con trai Lương Xuân, Lương Bích, Trần Hoa Thuận (tức người đi đổi tiền) và người ở tiệm thịt lợn là Lương Quý.
Trần Hoa Thuận ở ngõ Tứ Tiện Phật Sơn mở võ quán nhưng môn đồ không nhiều, chỉ dạy cho con trai Trần Nhữ Miên và Lôi Nhữ Tế… Cha của Ngô Trọng Tố và Trần Hoa Thụân vốn là bạn thân (cha của Ngô là chủ hiệu đồ gốm sứ, gia đình giàu có, thường tài trợ cho Trần Hoa Thuận), Ngô Trọng Tố rất thích võ thuật, được cha mời Trần Hoa Thuận về làm thầy, sau thành đệ tử chân truyền của Trần Hoa Thuận.
Về sau, Nguyễn Tế Vân muốn đi An Nam (tức Việt Nam) để quảng bá võ Vĩnh Xuân quyền, bởi nhận thấy Diêu Tài là vốn quý võ học, có đưa Diêu Tài đến nhà Ngô Trọng Tố, bái làm thầy để được dạy dỗ thêm (Nguyễn Tế Vân và Ngô Trọng Tố vốn là bạn hữu thân thiết), Ngô Trọng Tố chuyên tâm bỗi dưỡng cho Diêu Tài, cùng với Nguyễn Kỳ Sơn và Diệp Vấn cùng được thầy Ngô chỉ dạy, đào tạo nâng cao, ba người thường trao đổi với nhau. Lúc đó người trong môn phái Vĩnh Xuân quyền gọi Nguyễn Kỳ Sơn, Diêu Tài và Diệp Vấn là “Ba người hùng Vĩnh Xuân quyền” danh tiếng một thời.
Ngô Trọng Tố từng mở một võ quán ở phố lớn Thạch Lộ Đầu, lúc đó dưới sự quản lý của Ngô, phần lớn là giới những thương nhân giàu có như ông chủ hiệu bánh Hợp Ký tên Hà Triệu Sơ, danh y thiết đả Lý Thọ Bành (người tập Lục Điểm Bán Côn tương đối có thành tựu), ông chủ hiệu ngũ kim Đại Ích tên Trương Thăng Nhược, Lý Thí Hào ông chủ nhỏ hiệu Lý Chúng Sinh đường, Lương Phúc Sơ người quản lý kho trà của Bình Tâm và La Hậu Phố chủ hàng rượu Anh Tụ và Hoắc Gia Siêu con nhà giàu có và con của Ngô Trọng Tố là Ngô Nhất Phi… Ngô Trọng Tố trong giới võ thuật giao du rất rộng, chơi với bạn bè coi vàng như đất, rất trọng nghĩa khí nên khi ông Ngô sắp mất thì cuộc sống rất khó khăn, lúc đó Diêu Tài, Lý Thọ Bành, Lý Thiệu Sơ và Tiển Thất nuôi ông.
Còn về quyền thuật của chi phái Vịnh Xuân Diêu Tài chia ra gồm có: Tiểu niệm đầu, Tầm kiều, Tiêu chỉ. Vũ khí có: Nhị tự kiềm dương mã đoạt mệnh đao, Lục điểm bán côn… Diêu Tài khi thành công sau này đem toàn bộ tuyệt kỹ bản môn truyền cho con trai là Diêu Kỳ và Cao Bình, Cao Mãn, Diêu Thích, Hoắc Siêu (từ sớm di cư và phát triển môn võ ở Hồng Kông), Lương Thích Lân, Ngô Thất, Trần Châu, Tiển Thất, Lâm Thụy Văn, Lâm Thụy Ba, Trần Hồng, Ngô Nhật Minh…
4.2. Võ sư Trần Văn Phùng là một trong những học trò đầu tiên của sư tổ Nguyễn Tế Công (ông Nguyễn Tế), còn gọi là Tài Cống (Ông lớn). Ông là người lớn tuổi nhất trong số học trò của ông Nguyễn Tế hồi bấy giờ. Trước khi thụ giáo ông Nguyễn Tế, ông đã là một cao thủ với biệt danh Độc Nhãn Long. Từ năm 16 tuổi, ông bắt đầu học võ Thiếu Lâm Sơn Đông và Nam Quyền. Ông chơi thân với ông Việt Hương (chủ của hàng bánh Việt Hương ở phố Hàng Ngang thời đó), cũng là một trong những học trò của ông Nguyễn Tế, giỏi về kiếm thuật. Ông Việt Hương giới thiệu ông Phùng với ông Nguyễn Tế. Với một tinh thần võ đạo khảng khái, ông Phùng xin được thử tài nghệ của ông Nguyễn Tế và đã thua. Cảm phục tài năng võ thuật của ông Nguyễn Tế, ông Phùng xin làm đệ tử để được học môn Vĩnh Xuân quyền. Ông học Vĩnh Xuân quyền với ông Nguyễn Tế trong 10 năm liền (1936-1946), sau đó vẫn tiếp tục qua lại chăm sóc và học hỏi ông Nguyễn Tế đến khi ông vào Nam năm 1954. Với năng khiếu võ thuật thiên bẩm và chuyên cần luyện tập, ông được sư phụ rất yêu mến mà truyền cho nhiều bí quyết của môn võ Vĩnh Xuân quyền, đặc biệt là phương pháp luyện tập với mộc nhân.
Võ sư Trần Văn Phùng là con người giản dị, cương trực và khảng khái, một đời cống hiến cho võ thuật. Cho đến tận lúc ông mất, năm ông 85 tuổi, hàng ngày ông vẫn luyện công và dạy võ cho các học trò. Ở độ tuổi 80, ông vẫn đủ sức đánh lõm một tấm gỗ dày 10 phân. Quan điểm võ thuật của ông là càng đơn giản càng tốt và phải khổ luyện.
Ông nguyên quán ở Lý Nhân, Hà Nam, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ông là con một ông chủ cửa hàng tạp hóa tại số 16, phố Cửa Bắc. Thời thanh niên ông theo cách mạng (chiếm Bắc Bộ Phủ, bắt Cung Đình Vận – một tên phản động). Ồng là kỹ sư điện tại nhà máy điện Yên Phụ. Sau này về hưu, ông làm bảo vệ tại trường Việt Nam Cu Ba, ở phố Châu Long. Ông là một trong những người có công lớn trong việc truyền bá môn võ Vĩnh Xuân quyền ở Việt Nam. Học trò của ông rất nhiều, cả trong và ngoài nước, nhưng thành danh nhất phải kể đến giáo sư tiến sĩ Lê Kim Thành (hiện ở Nga), họa sĩ Đỗ Tuấn (Phó chủ tịch CLB Vĩnh Xuân quyền Hà Nội), võ sư Trịnh Quốc Định (cố vấn võ thuật Liên đoàn Võ thuật Việt Nam), võ sư Vũ Văn Hồng (Phó giám đốc Trung tâm UNESCO về phát triển Văn hóa & Thể thao), họa sĩ Mai Anh Châu và nhiều người khác. Các học trò của ông đã và đang tiếp tục kế tục ông truyền dạy và làm rạng danh thêm cho môn Vĩnh Xuân quyền Việt Nam.
4.3. Võ Sư Trần Thúc Tiển người Thanh Trì (Nam Dư hạ) Hà Nội, sinh năm 1912 ở Quảng Châu Văn Trạm Giang, Trung Quốc (cụ thân sinh làm việc ở đó). Ông theo Tây học (đỗ Diplom) và là một doanh nhân. Ông có nghề nấu rượu tây, mở nhà in Chấn Hưng ở 35 Hoà Mã (sau bị Pháp đốt vì in tài liệu cho Việt Minh). Ông đặc biệt người bé nhỏ, gầy yếu, bị lao phổi nặng – nhờ tập Vĩnh Xuân quyền nên khỏi hẳn. Ông rất hiền lành, tính tình điềm đạm khiêm tốn…, mất năm 1980 thọ 69 tuổi.
Ông tiếp tục dạy một số bạn đồng môn khi ông Nguyễn Tế đã vào Nam như: bác sĩ Phạm Khắc Quảng, bác sĩ Lê Văn Trung, ông Nguyễn Văn Phương…và nhiều học trò mới trong đó có bác sĩ Nguyễn Văn Lễ (nguyên phó giám đốc bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên), võ sư cao cấp Phan Dương Bình (Bình Bún), võ sư Nguyễn Xuân Thi (nguyên chủ tịch Hội võ cổ truyền Hà Nội), kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội, luật sư Nguyễn Thành Vinh, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, ông Vũ Văn Luân (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam trong nhiều năm là chủ tịch liên đoàn võ cổ truyền VN)… Võ sư Trần Thúc Tiển sinh hạ được nhiều con nhưng chỉ có Trần Thiết Côn (Sinh) và Trần Hoài Ngọc là học được đến trình độ cao – đặc biệt Trần Thiết Côn lĩnh hội được nhiều tinh tuý của Vĩnh Xuân quyền, bản lĩnh cao cường, nội công thâm hậu…
Vào những năm 1940, nhà ông Trần Thúc Tiển ở 38 Gia Ngư. Vào các buổi chiều, ông có thời gian thường mang ghế ra ngồi ở trước cửa. Thời đó phố xá vắng vẻ, hè phố Gia Ngư rộng rãi. Qua những lúc ngồi ở cửa, ông thường thấy một ông già người Tàu cao gầy, một tay cắp cái mẹt trên đựng quẩy, bánh gối, tương ớt, dấm, còn tay kia cắp một cái giá gấp đi bán rong từ phía chợ Hàng Bè lại. Vào một buổi chiều, ông Trần Thúc Tiển đang ngồi thì thấy hai người lính lê dương to cao đi từ phố Đinh Liệt (bây giờ) lại. Bộ dạng hai người lính như đang say, dáng đi chếnh choáng. Cùng lúc đó, ông già người Tàu đó cũng đi trên hè với hướng ngược lại hai người lính. Lúc giáp nhau, vô tình cứ ông già Tàu tránh sang bên này, thì hai người lính tránh về bên đó. Sau hai ba lần như vậy, một trong hai người lính có vẻ tức tối, vung nắm đấm, đấm vào người ông già. Ông Trần Thúc Tiển thấy ông già không tránh và cũng không buông mẹt và giá đỡ ra để đỡ. Ông thấy người lính đấm vào ngực ông già. Và thật lạ, người lính kia bị bắn ngược lại, lăn ra vỉa hè. Người lính thứ hai thấy bạn mình bị ngã, tưởng bị ông già kia đánh, mới tung cú đấm rất mạnh vào người ông già. Và lại giống như bạn mình, người lính này cũng bị bắn ngược lại, lăn xuống rãnh cống. Trong khi đó, ông già người Tàu vẫn đứng yên. Hai người lính lồm cồm bò dậy, dẫn nhau bỏ chạy. Tận mắt chứng kiến sự việc đó, ông Trần Thúc Tiển đã nghĩ đến đây là một cao thủ. Sau đó, ông đã để tâm tìm hiểu lai lịch, chỗ ở của ông già. Và rồi một hôm, ông đã tìm đến nơi ông già ở để xin theo học. Có thể bằng nhỡn quan của một Đại sư, với sự từng trải, ông già Tàu (lúc đó đã trên 60 tuổi), đã nhìn thấy cơ duyên ở người học trò nhỏ bé này và đã nhận lời. Ông già Tàu chính là Đại sư Nguyễn Tế Công, Sau này đã trở thành Sư tổ Vĩnh Xuân quyền Việt Nam. Ông đã được ông Nguyễn Tế chữa cho khỏi bệnh lao và truyền dạy cho tinh túy của môn Vĩnh Xuân quyền với nội công thâm hậu, quyền thuật cao thâm.
4.4. Võ sư Vũ Bá Quý sinh năm 1912 tại Mỹ Hào, Hưng Yên và mất năm 1995. Ông được coi là tổ sư của môn phái Vũ Gia Thân Pháp. Từ nhỏ, ông đã là người ham mê võ thuật. Sớm ra Hà Nội từ những năm đầu thế kỷ XX, ông đã theo học và được chân truyền những tuyệt kỹ võ dân tộc từ cụ Lãnh binh Giang, một trong những bộ tướng giỏi của Tổng đốc Hoàng Diệu triều nhà Nguyễn. Sau đó ông đã thụ giáo qua rất nhiều môn phái, kể cả những môn võ của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc. Tuy nhiên, bước ngoắt lớn nhất trong con đường võ học của ông là đã có duyên gặp ông Nguyễn Tế tại biên giới phía Bắc, vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX. Ông Nguyễn Tế là cao thủ Vĩnh Xuân quyền Phật Sơn đang lánh nạn ở Việt Nam. Dưới sự chỉ bảo của Tôn sư, những kiến thức, kỹ năng võ thuật của ông đã phát huy hiệu quả nhanh chóng. Trên cơ sở những nguyên tắc luyện võ đã được giác ngộ, ông tiếp tục nghiên cứu và tiếp thu tinh hoa của một số võ phái Nhật Bản và quyền Anh, rồi tự tu tập, cải tiến thành một lối đánh riêng đầy uy lực. Với những kỹ thuật nền tảng của môn phái Vũ Gia Thân Pháp sau này, ông đã thượng đài thành công và nhiều năm liền giữ đai vô địch võ đài Quy Nhơn (vô địch Đông Dương). Danh vô địch vẫn không làm mai một tâm huyết tìm tòi, học hỏi cải tiến nâng cao võ thuật của ông. Năm 1938, trong một lần vào Sài Gòn giao lưu, ông đã gặp một võ sư mà giới giang hồ gọi là Năm Sài Gòn. Khi giao đấu, vị võ sư này không thể so đòn được với ông, nhưng ngược lại, ông cũng không thể truy đuổi để ra đòn quyết định được, vì thân pháp của võ sư này rất nhanh nhẹn và tinh tế. Sau trận thắng, ông đến nhà người thua trận để xin chỉ giáo. Từ đó, với kỹ thuật thân pháp tiếp thu được, kết hợp cùng với toàn bộ sở học vốn có, ông đã đúc rút nên kỹ thuật căn bản của môn Vũ Gia Thân Pháp. Nối tiếp bước cụ, hiện nay các học trò tâm huyết của cụ như các võ sư Đạt, Nguyên, Mỹ, Diệu… vẫn đang phát triển, sáng tạo, nâng cao kỹ thuật của Vũ gia lên một tầm cao mới.
4.5. Võ sư Ngô Sĩ Quý (1922-1997), sinh ra trong một dòng họ khoa bảng (ông nội là tiến sĩ) nhưng anh thanh niên Quý không ham nghiệp bút nghiên. Người có chữ sống trong thời bảo hộ vinh ít nhục nhiều. Tuy vậy ông vẫn mang trong mình dòng máu nghệ sĩ. ông thiên nhiên, đam mê âm nhạc và là một cây violon được nhiều người biết tới ở Hà Nội. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã từng học nhạc dưới sự hướng dẫn của ông ở khu học xa Quế Lâm Trung Quốc.
Âm nhạc, nói theo ngôn ngữ huyền học, đã mang đến cho ông một nhân duyên. Khoảng cuối năm 1939 ông quen một thanh niên người Hoa tên Cam Túc Cường, cũng là người mê âm nhạc và đang học sáng tác. Trạt tuổi, lại chung một đam mê nên họ nhanh chóng thân nhau. Cường đưa ông về nhà giới thiệu với thầy dạy võ, kiêm quản gia là ông Nguyễn Tế và được nhận làm đệ tử. Thời gian ông học dưới sự truyền thụ trực tiếp của ông Nguyễn Tế khoảng ba năm, ông đã học được: quyền thuật, vũ khí và chiến đấu trên ngựa. Nhưng ông có may mắn được luyện thường xuyên với ông Cam Túc Cường. Đây chính là thời gian quyết định vì võ thuật của ông Cường rất cao và ông được coi là học trò số một của ông Nguyễn Tế.
Ông Nguyễn Tế sống ẩn mình không mưu sinh bằng nghề dạy võ nên rất hạn chế nhận học trò. Những phương pháp luyện tập bí truyền không thể truyền thụ cho người ngoài một cách tuỳ tiện. Bằng khả năng mẫn cảm và khái quát bẩm sinh, ông Quý đã thực hiện xuất sắc các bài học, tới mức dường như phần nào tác động tới quan điểm dạy võ của ông Nguyễn Tế. Khi ấy ông chỉ mới biết mình đang học “võ Tàu”, vì theo giới luật của môn phái tên gọi của môn phái được giữ kín.
Đầu năm 1945, cả dân tộc bưng bừng trong cơn bão cách mạng đang tới, ông bắt đầu tham gia các hoạt động đoàn thể. Quan hệ giữa ông và Cường có dấu hiệu rạn nứt. Thương gia người Tàu vốn ưa ổn định để làm ăn, không thích dính dáng đến chính trị. Gia đình ông Cường định chuyển làm ăn vào Nam. Ông Nguyễn Tế có sai học trò đến nhắn nhưng ông khẳng khái từ chối.
“Rồi cách mạng bùng lên, rồi kháng chiến trường kỳ” như một nhà thơ đã viết. Ông là tự vệ thành chiến đấu bảo vệ thủ đô. Sau khi rút khỏi Hà Nội ông tham gia hoạt động ở vùng Nam Định, Ninh Bình. Đầu năm 1950, ông cùng đoàn thiếu sinh quân Việt Nam đầu tiên sang khu học xá Quế Lâm và làm giáo viên âm nhạc. Vào những kì nghỉ, bạn cho giáo viên và học sinh đi tham quan một số trung tâm võ thuật lớn tại Vũ Hán, Nam Kinh, Thượng Hải. Một trong những lần đó, ông phát hiện môn võ mình ngẫu nhiên học đang được đánh giá rất cao ở Trung Quốc có tên là Vĩnh Xuân quyền. Đó là món “đặc sản” lúc bấy giờ người ta muốn giữ kín vì tích chất đặc biệt của nó.
Khoảng năm 1955-1956 ông về nước, chuyển sang công tác ngành giáo dục nên có nhiều thời gian nghiên cứu võ thuật. Ông suy luận, mình không phải là học trò người Việt duy nhất được học ông Nguyễn Tế, vậy phải đi tìm những vết tích của thầy lưu lại miền Bắc. Dò hỏi mãi mới biết võ sư Tiển là người có võ thuật cao đang mở lò dạy võ, anh tìm đến xin học. Thấy ông tỏ vẻ rụt rè, võ sư Tiển động viên “Người anh gầy nhỏ học cái này tốt lắm. Nào, thử vào tay với tôi một lúc…” Dạo qua vài đường ông Tiển hỏi ngay “Anh đã học môn này bao giờ chưa?”, ông đáp chưa. Lại nói “Vậy thì lạ. Lối tay của anh rất giống lối tay của thầy tôi”. Ông hỏi người thầy đó là ai? – “Ông Nguyễn Tế”. Thế là nhận ra nhau, ông Tiển lập tức sai người trả lại tiền học phí: “Chúng ta là huynh đệ tôi không dám là thầy của bác”.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, đến năm 1969 ông Quý đã khôi phục lại hệ thống chiến đấu 108 và các bài quyền Vĩnh Xuân quyền mang sắc thái sáng tạo của người Việt và mở võ đường truyền thụ Vĩnh Xuân quyền.
Năm 1976 tại hội nghị võ thuật toàn quốc do Bộ giáo dục tổ chức, ông đọc bài phát biểu: “Kết hợp thể dục hiện đại có chọn lọc với các hình thức vận động cổ truyền để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”. Bắt đầu từ thời gian này ông dành toàn bộ công sức và trí tuệ để đào tạo các thế hệ học trò, tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học về vận động. Phương pháp vận động này đã đem lại cho những người luyện tập nghiệp dư khả năng vận động liên tục và bền bỉ, độ thư dãn và nhạy cảm cao mà nhiều vận động viên chuyên nghiệp không có được.
Nếu hiểu từ “võ” một cách toàn diện thì nó không chỉ là những bài quyền đẹp mắt hoặc phần đấu đối kháng với nhiều qui tắc hạn chế các miếng đánh nguy hiểm. Võ trước hết là hình thức vận động kết hợp hài hòa giữa tính thẩm mỹ (nghệ thuật) và tính chiến đấu (hiệu quả). Người giỏi võ chân chính còn là người có tinh thần thượng võ và thấm nhuần cái “đạo” của võ. Thời trẻ ông là một thanh niên cương cường và kiêu hãnh. Ông từng bảo học trò: “Các chú phải nhớ trên đầu mình không có gì ngoài chính nghĩa!”. Đấy là lối nói của người có võ cách.
Cuộc đời của một võ sư vốn nhiều chuyện ly kì hấp dẫn. Nhưng nếu nói về quan niệm sống và giáo dục của ông thì chỉ gói gọn trong hai chữ “làm chủ”. Con người vốn khó nhất là làm chủ lấy bản thân. Ông chủ trương đạt được điều đó thông qua luyện tập. Trong khi rèn luyện võ thuật, người ta đồng thời tu thân, sửa mình, trau dồi bản lĩnh. Một người không có bản lĩnh giải quyết được các mâu thuẫn cá nhân thì không mong gì giải quyết được các mâu thuẫn cuộc đời. Với học thuật, bác đề cao sự trung thực, kịch liệt phê phán lối giáo dục theo đuôi. Sùng ngoại hay bài ngoại đều bất cập, phải có dũng khí của người tử vì đạo để hoàn thiện tri thức. Ông quan niệm sự hiểu biết cũng là một mặt của hạnh phúc. Tuy không phải người am hiểu cổ học nhưng ông thường nhắc học trò hai chữ. Thứ nhất là thận (trong chữ thận trọng). Thận trọng trong lời nói và việc làm thì khi hành động sẽ đỡ sai. Thận trọng nhìn nhận ra con người để khuyên răn người ta cho phải và lúc luyện tập đánh người cho đúng lối. Kiến thức cổ á đông vốn rất cô đọng, người thận trọng mới đi được đến nơi, không lấy thừa mà cũng không bỏ sót…
Thứ hai là chữ thiện (trong chữ thiện của nhà Phật). Làm việc thiện thì thường khó, lâu, cá nhân lại hay bị thiệt. Làm việc ác thì thường dễ, nhanh, cá nhân thường lợi. Nói thiện bao giờ cũng thắng ác lá nói theo nhân quả, chưa hẳn đã thuyết phục được người nghe. Nhưng có điều chắc chắn là người đời thường chỉ nhớ người thiện, không mấy nhớ kẻ ác.
Trong suốt cuộc đời của một võ sư, chưa bao giờ ông coi võ là nghề nghiệp. Nếu nói là thú chơi thôi thì cũng không phải. Một nhà thơ đã nói: Chỉ để chơi thôi thì cả một cuộc đời cũng không đủ”. Đối với ông, võ với đời là một. Ông đặc biệt chú ý phần ứng dụng học thuật vào cuộc sống. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện từng luyện tập dưới sự hướng dẫn của võ sư Ngô Sỹ Quý, ông rất tâm đắc nguyên tắc: “mềm là tối đa, cứng là tối thiểu”, coi đó như là một tinh hoa của vận động và ứng xử trong cuộc sống.
4.6. Võ sư Hồ Hải Long, tên thật là Nguyễn Duy Hải, sinh năm 1917, mất năm 1988. Từ năm 1954 đến cuối đời, ông đã liên tục đào tạo rất nhiều đợt môn đệ thành danh sau này. Vào năm 1971, ông đã đào tạo được 4 võ sư (Thiếu Sơn – nghề mộc, Điển Nam Tông phái – trung úy binh chủng Dù của Ngụy quyền Sài Gòn, Nam Anh phái Võ Đang – Phó Tổng Thư Ký nguyệt san Võ Thuật và con trai là Nguyễn Duy Vũ – Thiếu Lâm Hàn Bái Đường).
Kế đến là các sư đệ nhập môn từ năm 1973 trở về sau và cũng đã thành danh trên con đường Võ Đạo như: Hồ Thiết Bưu (tức KTs.Lam), Hồ Phi Hổ (Huỳnh Ngọc Ẩn – truyền bá Vĩnh Xuân quyền ở Nga), Hồ Phục Hổ (tức võ sư Phước – Hội Võ thuật Cổ Truyền Tp.Hồ Chí Minh).
Ngoài các võ sư trên, Nguyễn Tế Vân còn truyền Vĩnh Xuân quyền cho nhiều học trò khác như: Lục Viễn Khai, GS.KTs.Đỗ Bá Vinh, Bác sĩ Nguyễn Bá Khả – Bộ trưởng Bộ Y tế (miền Nam)…
– Võ sư Hoàng Vĩnh Giang (có biệt danh là Lý Tiểu Long ở Liên Xô củ).
– Võ sư Nguyễn Bá Khả.
– Võ sư Lục Viển Khai.
5. Các võ đường Vĩnh Xuân quyền ở Việt Nam
5.1. Ở miền Bắc
(1) Võ đường Cột Cờ của các võ sư Nguyễn Đức Dũng, Hoàng Quốc Toàn, Nguyễn Đăng Dũng, Nguyễn Văn Trung…
(1) Võ đường Hàng Trống của võ sư Nguyễn Hữu Thế và Nguyễn Nam Vinh.
(2) Võ đường Tăng Bạt Hổ của võ sư Đặng Tuấn Hải.
(3) Võ đường Thanh Xuân của võ sư Thái Bá Sao.
(4) Võ đường Hàng Buồm của võ sư Phan Dương Bình và Nguyễn Đức Long…
(5) Võ đường của võ sư Nguyễn Ngọc Nội.
(6) Võ đường Lạc Trung của võ sư Vũ Văn Hồng.
(7) Võ đường Ngọc Hà của võ sư Trịnh Quốc Định.
(8) Võ đường phố Phó Đức Chính của võ sư Nguyễn Tiến Mỹ.
(9) Võ đường Ngõ 103 Bạch Mai của võ sư Trần Văn Nguyên.
(10) Võ đường ở đường Bạch Đằng của võ sư Đỗ Tuấn.
(11) Võ đường ở thành phố Hải Dương của võ sư Đoàn Chí Thanh.
(12) Võ đường ở Hà Tây của võ sư Thích Đạo Liên.
(13) Võ đường Trần Bình Trọng của võ sư Đinh Trọng Thuỷ.
* Ở miền Nam:
(1) Võ đường Nam Chính Trực.
(2) Võ đường của võ sư Trần Hậu Tuấn.
(3) Võ đường của võ sư Trần Thông (dòng Lương Tán).
(4) Võ đường ở Vũng Tàu của võ sư Hồ Trường Xà.
(5) Võ đường ở Bến Tre của Nguyễn Đăng Quang và… nhiều võ đường khác…
Nhiều võ sư cũng đã truyền dạy Vĩnh Xuân quyền ở nước ngoài. Người đầu tiên chính là giáo sư tiến sĩ Hoàng Vĩnh Giang – Nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội. Là một cao đồ của Vĩnh Xuân quyền, ông đã truyền thụ cho các bạn Liên Xô cũ từ những năm 1979, 1980. Hiện nay, việc các võ sư Việt Nam qua các nước để dạy Vĩnh Xuân quyền cũng như các đoàn ngoại quốc sang tập huấn Vĩnh Xuân quyền ở nước ta hoặc các cá nhân người nước ngoài trong thời gian sống và công tác tại Việt Nam đã đến học Vĩnh Xuân quyền với các vị thầy người Việt Nam…đã trở thành chuyện bình thường.
III. ĐẶC ĐIỂM CỦA VĨNH XUÂN QUYỀN
Bàn về hệ thống kỹ thuật của Vĩnh Xuân quyền, quan sát bề nổi thì đó là một hệ thống khá đơn giản với vài ba bài quyền, một bài côn, một bài đao và một bài mộc nhân thung. Thật hiếm có một võ phái nào khác chỉ dựa trên nền tảng một vài bài quyền và bài binh khí như vậy. Tuy nhiên, Vĩnh Xuân quyền không nhấn mạnh vào tính hình thức và do đó rất khó khăn để trở thành một hệ thống để biểu diễn. Các bài quyền không phản ánh “tính chất quy ước” cho các chiêu thức, phân thế cụ thể từng chiêu tấn công hay phòng thủ (chẳng hạn như một số võ phái dạy đòn thế theo kiểu khi đối phương đấm thì ta đỡ thế nào và phản công ra sao), mà là những nguyên lý tấn công và phòng thủ rất cần sự sáng tạo của môn sinh khi ứng dụng thực chiến.
Theo những võ sư Vĩnh Xuân quyền lão luyện, yếu lĩnh “tự nhiên tính” được đề cao hàng đầu, vì vậy những người cố gắng theo đuổi vẻ đe dọa bên ngoài của động tác sẽ không bao giờ phát triển được trong môn võ này. Kỹ thuật các dòng Vĩnh Xuân quyền trên thế giới cho thấy tính chất “đại đồng tiểu dị” với những điểm giống nhau là căn bản, bao gồm trong nó những nguyên lý xuyên suốt khi luyện tập các bài quyền; khái niệm “xả kỷ tòng nhân” (quên mình theo người), “thính kình” (nghe lực), “tâm ứng thủ” (khi đầu óc nghĩ đến một đòn đánh là chân tay thực hiện thành công); hệ thống đòn chân không có đá xoay người hay đá bay; hệ thống thủ pháp nhu nhuyễn nhưng nhanh và mạnh như roi quất; tấn pháp nhị tự kiềm dương mã, xước mã (đạp bộ); công phu niêm thủ, niêm cước, trao đổi thân, niêm côn và đao; và các bài luyện tập trên mộc nhân trang.
Nội dung kỹ thuật Vĩnh Xuân quyền theo như nhiều tài liệu từ tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông có rất nhiều lưu phái với những hệ thống kỹ thuật và bài quyền phong phú và khác nhau.
Tuy nhiên, hiện nay các chi lưu Vĩnh Xuân quyền tại huyện Vĩnh Xuân quyền tỉnh Phúc Kiến, Phật Sơn và Quảng Châu ở Quảng Đông, Hồng Kông thì hệ thống bài quyền còn lưu truyền lại được công nhận là nội dung cốt lõi trong hệ quyền pháp là 4 bài là Tiểu niệm đầu, Tầm kiều, Tiêu chỉ và Mộc nhân trang.
Về binh khí, các chi lưu Vĩnh Xuân quyền tại Phúc Kiến, Quảng Đông công nhận còn lại 2 bài cốt lõi là Lục điểm bán côn và Bát trảm đao (Song tô).
Có tài liệu còn nói rằng Tiểu niệm đầu là huấn luyện kỹ thuật phòng thân tự vệ, Đại niệm đầu là huấn luyện chiến đấu cho tinh thần “Phản Thanh Phục Minh”.
Vĩnh Xuân quyền Việt Nam theo dòng Nguyễn Tế Công còn có Ngũ hình quyền (Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc) và các phương pháp Khí công Trung Hoa.
Kỹ thuật Vĩnh Xuân quyền thường được tóm lược trong yếu lĩnh: Triền (quấn), Thiểm (tránh, né), Xuyên (xiên qua, luồn qua), Tải (dẫn lái) và 10 Kiều Thủ tóm lược như sau: Khuyên (xoay tròn), Than (tản ra), Bàng (
Yên Nguyễn
8 năm agoCám ơn bạn đã cung cấp thông tin hữu ích
Tan Nguyen
7 năm agoHay quá. Đầy đủ quá. Cảm ơn bạn.