Niêm cước được luyện tập nhằm phát triển khả năng cảm ứng, nghe lực và sự thăng bằng của của chân.
Hai người đứng trên một chân dùng chân kia chạm nhau, tạo sơ hở bằng những đòn móc chân (khấu thoái) rồi tấn công bằng những thế đá của môn phái.
Gần đây tôi mới bắt đầu nghiên cứu về niêm cước và đi vào những bước tập luyện đầu tiên. Nói chung, đây là môt phần rất khác trong Vịnh Xuân Quyền. Vì Vịnh Xuân Quyền chú trọng vào đôi tay nhiều hơn nên cước pháp rất ít và thật ngắn gọn. Niêm cước cũng là một bài tập về nghe lực (lực chân) nên tôi thấy việc luyện tập thêm niêm cước sẽ bổ trợ thêm cho việc phát triển cước pháp Vịnh Xuân Quyền.
Tôi cho rằng có một việc rất quan trọng, đó là giữ thăng bằng cơ thể bằng việc đứng một chân. Lúc đầu, nếu bạn chưa quen với việc này thì sẽ là một việc khó khăn, vì vậy cần phải có sự luyện tập thật cho kỹ năng này. Khi bạn đứng tấn Nhị Kìm Dương Mã trọng lượng cơ thể dồn đều lên 2 chân và việc giữ thăng bằng của bạn tốt hơn, nhưng thử tưởng tượng xem khi bạn nhấc một chân lên (co gối) thì trọng lượng cơ thể đổ dồn về chân còn lại (chân đứng trụ) và bạn có thực sự giữ được thăng bằng?
Để tập luyện giữ thăng bằng trên một chân, đơn giản là tôi co gối của mình lên để tạo thành một góc vuông, sau đó xoay gối theo chiều kim đồng hồ. Cứ thế làm động tác này tuần tự liên tục 10-30 rồi đổi chân, sau đó thì làm ngược lại chiều kim đồng hồ. Có thể vừa là động tác khởi động nhẹ nhàng, vừa có thể tập giữ thăng bằng trong khi sử dụng cước pháp. Điều chủ yếu là lúc này toàn bộ cơ thể của tôi dồn về chân trụ, chân đang nhấc tôi phải được thả lỏng.
Tập đứng thăng bằng trên một chân.
Tôi thấy, các đòn cước của Vịnh Xuân chủ yếu là đá ngang từ vùng ngực trở xuống và thông thường đó là những cú đá giáng xuống, tức là lực từ trên bổ xuống đối phương nhằm triệt hạ cước pháp hoặc tấn công vào các mục tiêu như: ngực, bụng, đùi, đầu gối,… Để tập luyện cước pháp Vịnh Xuân Quyền, tôi bắt đầu bằng việc co đầu gối lên và tập đá thẳng ra phía trước bằng gót chân, đứng vững trên chân trụ, chân đá thả lỏng và lực xuất phát từ đầu gối, búng chân ra một cách nhẹ nhàng. Cứ thế tập tuần tự cú đá thẳng này (Trực đẳng thoái) như thế 10-30 lần rồi đổi chân.
Niêm cước
Quay trở lại với Niêm cước, dù cước pháp có rút gọn nhưng Vịnh Xuân Quyền vẫn trú trọng vào việc nghe lực của đối phương. Với việc tập luyện Niêm cước, nó sẽ giúp bạn hiểu được điều này.
Đầu tiên là việc 2 người tập đối luyện giao tiếp (tiếp xúc) với nhau bằng một chân và trụ ở chân sau, bám vai hoặc khoá tay trong quá trình luyện tập. Bắt đầu thả lỏng và xoay chuyển chân của từng người, lúc này đây chúng ta không cần dùng tới lực, chỉ cần xoay chuyển đầu gối để 2 người đối luyện có thể nghe và theo được chân của bạn tập. Sau khi đã nghe thành thục có thể áp dụng những kỹ thuật của cước pháp như: Triệt, Than, Bàng và Trực cước vào bài tập niêm cước, nên nhớ rằng chúng ta không cần dùng tới lực vì có thể điều đó sẽ gây chấn thương.
Dưới đây là video luyện tập Niêm cước.
Chúc các bạn luyện tập vui vẻ!
Be the first to comment