Xin Chào!

Cám ơn cả nhà trong năm vừa qua đã luôn gắn bó với LHVX, và để bắt đầu cho 1 năm mới tốt lành hãy cùng LHVX nghiên cứu, chia sẻ và trao đổi tiếp về “Cú đấm Nhật tự xung quyền trong Vịnh Xuân Quyền“.

Như các bạn đã biết, Nhật tự xung quyền là cú đấm thương hiệu đầu tiên để người tập có thể bước đầu tìm hiểu về môn võ Vịnh Xuân Quyền. Lấy nguyên tắc đánh theo đường thằng, đi vào trung tâm tuyến của đối thủ. Từ nguyên tắc này mà phát triển thành các cú đấm khác như Đấm tam tinh (tam liên thủ),  hay tuyệt kĩ “Thốn quyền – 1 inch” khủng khiếp.

Nhật tự xung quyền.

Có nhiều cách để luyện tập có một cú đấm mạnh, những ghi chú dưới đây của tôi mong rằng sẽ giúp các bạn luyện tập được tốt hơn trong bước đầu nhập môn Vịnh Xuân Quyền:

1. Tấn: điều này hiển nhiên rồi, tập võ thì phải tập đứng tấn trước. Tấn vững chắc giúp cho đòn đấm tăng thêm sức mạnh, hơn nữa Nhị tự kiềm dương sẽ giúp thăng bằng trước và sau khi đấm.

2. Cổ tay thẳng: điều này để tránh việc chấn thương khi thực hiện cú đấm Nhật tự xung quyền, rất quan trọng. Nếu cổ tay của tôi cong vẹo khi đấm sẽ rất dễ bị phản lực dội lại làm chấn thương.

3. Đường thẳng: Nhật tự xung quyền là cú đấm thẳng, xuyên vào trung tâm tuyến của đối thủ với thời gian và khoảng cách ngắn nhất. Đó chính là lợi thế của nó.

4. Lực phát từ cùi trỏ: hãy học cách tăng tốc, bùng nổ từ cùi trỏ vì lực của cú đấm Nhật tự xung quyền phát ra từ cùi trỏ, không phải từ vai.

5. Một tay để sát cùi trỏ – Một tay đấm: Lý do vì sao ư? Vì chuyện này sẽ giúp bạn luôn ở trong tư thế chuẩn bị, sẵn sàng cho những đòn kế tiếp và liên hoàn, đồng thời thủ khu trung tuyến chắc chắn.

6. Chuẩn bị thì nắm nhẹ tay, nắm chặt tay khi tiếp cận mục tiêu: Nên giữ khít các khe của nắm đấm đẻ tránh chấn thương các khớp ngón tay. Nên tập việc này ngay từ đầu để giữ thói quen tốt về sau.

7. Dùng thêm sức nặng của cơ thể: E=mc2, cứ theo công thức vật lý này của Eistein thì E: năng lượng tỉ lệ thuận với m: khối lượng.

8. Bật thẳng: phát ra như một mũi tên để lực đi thẳng và xuyên thấu.

9. Xoay hông eo: Một cú đấm hoàn hảo là cú đấm kết hợp với toàn bộ cơ thể. Từ bàn chân, cẳng chân, hông eo,… Ở đây tôi chỉ xin nói tới phần eo. Bung nắm đấm cực nhanh đồng thời xoay eo cũng phải nhanh để tăng gia tốc cho nắm đấm.

10. Gia tốc: vẫn theo công thức E=mc2, E: năng lượng tỉ lệ thuận với c: gia tốc. Cú đấm phát ra càng nhanh thì mang theo một sức mạnh càng lớn.

11. Thả lỏng: Hãy thả lỏng nắm đấm của mình trước và sau khi đấm, bạn sẽ thấy tốc độ cú đấm của mình nhanh, mạnh và liên hoàn hơn.

Mong rằng những ý trên của tôi có thể giúp các bạn tập luyện tốt hơn, trên hết là chúng ta có thể rèn luyện sức khỏe và tránh chấn thương khi luyện tập cú đấm Nhật tự. Còn rất nhiều các kĩ thuật và yếu tố khác, rất mong mọi người chia sẻ ý kiến.

Thân ái!