Nói đến Vĩnh Xuân Quyền (VXQ) ai cũng nghe đến 1 thủ pháp cơ bản là Nhật tự xung quyền (NTXQ), trong bài viết này tôi xin mô tả về NTXQ theo sự tìm hiểu, học hỏi và trải nghiệm luyện tập của riêng tôi (vì có thể với người khác sẽ có ít nhiều khác biệt), cũng có thể vẫn còn tồn tại những thiếu sót vì tôi chưa phải là thầy dạy VXQ mà vẫn còn là người học VXQ. Đây coi như một đề cương thảo luận, mời các bác quan tâm tham gia thảo luận.
(Xin các bác đừng nghĩ mình chỉ là thầy bói trong khi VXQ là một con voi mà ngại thảo luận, nhiều thầy bói họp lại vẫn biết được cả con voi. Trên diễn đàn nó hay hơn ở lớp tập là không phân biệt lớn, nhỏ, cũ, mới, giỏi, d.. [/yêu cầu thay đổi ngôn từ]… ai cũng bình đẳng cả và vì vậy đều có quyền nêu lên ý kiến của mình và đều cần được người khác tôn trọng (tất nhiên không phải là ý kiến kiểu Ném đá cuộc họp).
1. Về tên gọi: Nhật tự quyền (NTQ) là quả đấm với nắm tay để dựng, cái tên nhật tự (tức là: Chữ nhật) là do mặt trước nắm tay có hình chữ nhật, nhật tự quyền được sử dụng trong một số môn phái thuộc hệ thống Nam quyền của Trung Quốc. Trong VXQ, NTQ được gọi là NTXQ có lẽ do đặc thù khi sử dụng.
2. Quá trình luyện tập: Quá trình này chia làm 3 giai đoạn, GĐ 1: Luyện không xoay thân và không có điểm chạm, GĐ2: Không xoay thân có điểm chạm, GĐ3: Có xoay thân, có điểm chạm.
2.1 Luyện quyền không xoay thân và không có điểm chạm
2.1.1 Dự bị:
+ Động tác 1: Đứng vào tư thế tấn kiềm dương, cảm giác thân thể ngay ngắn, mắt nhìn vô cực (nhìn thẳng nhưng không chú ý vào điểm nào cụ thể (để thư giãn thần kinh), hai tay buông xuôi, đứng một lát khi thấy vững (không có cảm chao đảo khi đứng im) thì sang động tác 2.
+ Động tác 2: Đưa 2 tay thủ cao hai bên sườn, sau đó đưa tay phải lên thủ trước ngực (thủ sát thân, lòng bàn tay mở, các ngón tay khép song song hướng lên trời, trầm vai, khép trỏ, càm giác tay lỏng, mềm (Giống với tư thế bái phật chưởng, nhưng tay gần thân hơn một chút).
+ Động tác 3: Xoay bàn tay ngược chiều kim đồng hồ đến cho lòng bàn tay hướng ra ngoài, khi cảm giác phần gióng tay (kiều tay) hơi căng do bị xoắn thì dừng lại (không nên để kiều tay căng quá, người tập lâu tay đã mở tốt thì khi lòng bàn tay hướng hẳn ra ngoài mới thấy hơi bị căng kiều). Tiếp tục nắm tay lại thành quyền (quả đấm) nhưng chỉ nắm hơi chặt để kiều tay không bị căng thêm, vị trí quả đấm nằm giữa thân, cườm tay (cạnh dưới bàn tay) ở khoảng giữa xương ngực.
2.1.2 Phát quyền:
Duỗi tay chầm chậm, nhẹ nhàng, vừa duỗi vừa xoay kiều cho quả đấm dựng lên thành quả đấm dọc thì cũng vừa duỗi hết tay. Khi duỗi gần hết tay gia tăng thêm một chút lực nắm bàn tay để khi duỗi hết tay cảm thây nắm tay chặt lại (nhưng cũng không được chặt quá) và vẫn phải trầm trỏ, không duỗi thẳng hết cỡ cũng không để tay còn thấy bị gấp khúc. Duỗi tay phải sao cho quả đấm đi theo một đường thẳng nằm trong mặt phẳng đối xứng của thân và hơi chếch xuống dưới. Trong quá trình duỗi tay phải chú tâm vào quả đấm và kiều tay, tưởng tượng có một lực cản nhè nhẹ như khi duỗi tay trong nước nhưng mắt vẫn như tư thế dự bị, không được nhìn vào tay.
Khi đã quen, động tác đã đúng thì phải tượng tượng cánh tay như một mũi khoan, khoan xuyên vào trong khối đất sét dẻo trước mặt, bất cứ thức gì trong cái khối đất sét ấy chạm vào tay đều bị cái xoay của kiều tay làm bật ra để cho nắm đấm tiếp tục khoan đến khi duỗi hết tay.
2.1.3 Thu quyền:
Không làm theo trình tự ngược lại với phát quyền mà lúc này quĩ đạo của nắm đấm thu về theo đường nằm ngang rồi nâng lên về vị trí cũ theo đường thẳng đứng (khi xuất quyền quả đấm đi theo cạnh huyền, khi thu quyền đi theo 2 cạnh vuông góc còn lại của tam giác vuông nằm trong mặt phẳng đối xứng của thân), xoay kiều tay theo chiều ngược lại và cũng tưởng tượng như có một lực cản nhẹ níu lại và đè tay xuống không cho thu về, khi tay trở lại vị trí như lúc trước khi phát quyền là được.
2.1.4 Tiến trình luyện tập:
Luyện xen kẽ 2 tay, mỗi lần luyện không ít hơn 100 lần cho mỗi tay, nhưng cũng không cần nhiều quá 500 lần, mỗi ngày khoảng 3 lần. Luyện trong 1 tuần thì đã khá thành thục có thể chuyển sang bước tiếp theo. Nhưng cũng không nên vội và nên luyện thật tốt cảm giác ở tay sao cho bất chợt khi duỗi vài lần đã tưởng tượng thấy ngay lực cản ở tay và ý muốn nhẹ là thấy lực cản nhẹ, muốn nặng là thấy lực cản nặng tức thì, như vậy mới thực sự thành công ở bước này thì hãy sang bước tiếp theo.
Tác giả: Mộc Nhân
Nguồn: forum.vinhxuan.org
2 Bình luận
Tieu long
9 năm agok co huong dan ak? ad?
phungvanhoan2
9 năm agoVinh xuan co dia huong dan hoc ko nhi cac bac toi rat nuon dc hoc