Vịnh Xuân Quyền, một môn phái thoát thai từ Thiếu Lâm và được mang tên người sáng lập ra nó. Từ khi cố võ sư tài tử Lý Tiểu Long thú nhận căn bản võ công mình có được là do học Vịnh Xuân Quyền với chưởng môn Diệp Vấn tại Hồng Kông từ lúc 13 tuổi thì những người ưu chuộng võ thuật cũng như ái mộ họ Lý ra sức tìm hiểu nghiên cứu về môn võ này. Một trong những điều lý thú mà họ tìm hiểu được là hoàn cảnh ra đời và cuộc đời ly kỳ của người sáng lập ra môn võ : Nghiêm Vịnh Xuân.
Ngũ Mai Sư thái và Nghiêm Vịnh Xuân
Các nhà văn, nhà viết kịch bản phim Trung Hoa đã không bỏ qua cơ hội khai thác những điểm ly kỳ này. Do vậy, hình tượng Nghiêm Vịnh Xuân đã thể hiện trong rất nhiều phim võ thuật như những nhân vật truyền kỳ khác trong lịch sử Trung Hoa: Chí Thiện đại sư, Ngũ Mai lão ni, Trương Tam Phong, Hoàng Phi Hồng, Phương Thế Ngọc, Mã Vĩnh Trinh …
Vịnh Xuân là con gái của Nghiêm Nhị, một cao đồ Thiếu Lâm Tự. Sau biến cố hỏa thiêu Thiếu Lâm Tự, Nghiêm Nhị đưa con gái về Tứ Xuyên, mở quán bán đậu hủ dưới chân núi đại lương. Để che dấu thân phận, Nghiêm Nhị không truyền dạy võ công cho con gái và nghiêm cấm Vịnh Xuân học võ. Nhưng tình cờ Ngũ Mai lão ni trên đường lẩn trốn cũng chọn chùa Bạch hạc trên núi Lương Sơn làm nơi ẩn náu. Vịnh Xuân thường đi chùa gặp lão ni, chứng kiến lão ni luyện võ nên đã lén cha theo học võ. Theo cựu lê, Nghiêm Nhị đã hứa gả Vịnh Xuân cho lương Bá Trù, một thương gia bán muối ở Phúc Kiến. Nhưng nhan sắc của Vịnh Xuân lại lọt vào mắt một kẻ có thế lực ở Đại Lương. Ngũ Mai lão ni biết chuyện đã đưa Vịnh Xuân lên núi. Thời gian này Ngũ Mai lão ni vẫn lo ngại sự truy đuổi của nhà Thanh, cho nên bà vừa khổ luyện vừa cố tạo những kỹ thuật mới khả dĩ chế ngự kẻ thù khi đối mặt. Tương truyền vào một ngày kia, Ngũ Mai tình cờ chứng kiến một con cáo ác chiến một con hạc. Con hạc trụ một chỗ trong khi con cáo chạy vòng quanh cố xông vào cắn địch thủ. Nhưng mỗi lần cáo xông tới đều bị hạc dùng cánh đỡ gạt và dùng mỏ tấn kích. Những đòn đánh tinh diệu và chớp nhoáng của hai con vật in sâu vào trí Ngũ Mai lão ni giúp bà chế tác ra một kỹ thuật chiến đấu giống như cánh hạc và vuốt cáo. Sau nhiều năm nghiên cứu, rèn luyện, Ngũ Mai lão ni hoàn thiện môn võ tân kỳ của mình. Bà dành trọn 3 năm truyền hết môn võ này cho Nghiêm Vịnh Xuân. Vịnh Xuân trở về căn lều của cha dưới chân núi gặp lúc kẻ muốn bức cô làm vợ dắt một đám vô lại đến. Đây là lần đầu tiên Vịnh Xuân áp dụng võ công của mình và đã thành công mỹ mãn. Sau đó, hai cha con trở về Quảng Đông, Nghiêm Vịnh Xuân trở thành vợ Lương Bác Trù như lời giao ước. Vịnh Xuân đem hết sở trường võ thuật truyền thụ cho chồng và Bác Trù lấy tên vợ đặt cho môn võ.
Cuốn phim phản ánh trung thực câu chuyện trên là Heroine trước đây được chiếu ở Sài Gòn với tên “Cô gái tài ba” do nữ diễn viên Gia Lăng trong vai Nghiêm Vịnh Xuân. Gia Lăng ngoài đời có võ công thật sự nên có một thời cô đã được tôn là nữ hoàng võ thuật cùng các nữ diễn viên cùng thời như Lý Thanh, Trịnh Phối Phối,… Gia Lăng cũng đã từng thủ vai Mã Tố Trinh (em gái Mã Vĩnh Trịnh). Sở trường của Gia Lăng là sử dụng cái đuôi sam như một vũ khí để hất một cây búa quất vào mặt đối phương. Cô gái tài ba cũng là cuốn phim đầu tiên của Thành Long ở Hồng Kông. Thành Long cũng có võ nên trong phim có rất nhiều màn tỷ thí đẹp mắt. Như cảnh tên vô lại đấu với Vịnh Xuân. Tên này sử dụng một thứ võ lạ, nằm xoay tròn dưới đài gai chân đá bật lên. Vịnh Xuân bối rối nếu không nhờ Bác Trù liệng một hòn đá nhọn lên võ đài làm tên vô lại bị thương ở lưng, cắt đứt thứ võ công kỳ lạ của hắn. Hoặc cảnh Vịnh Xuân đấu với Bác Trù trên võ đài chiêu phu. Phim cũng có những cảnh hài như khi động phòng, Bác Trù bị thách phải phá thế tấn của Vịnh Xuân. Nếu phá được thì mới lên giường cùng vợ mới nhưng Bác Trù đã thất bại. Phải nhờ sự chỉ đạo của nhạc phụ, Bác Trù mới dùng một đoạn côn hất được Vịnh Xuân lên giường. Cảnh cuối của phim là màn quyết đấu của vợ chồng Vịnh Xuân với cao thủ Bắc phái chuyên sử dụng cước pháp do Trần Tinh đóng. Trần Tinh cũng là một cao thủ ngoài đời. Đoạn này được quay chậm cho thấy những chân cước của Trần Tinh phóng ra theo đủ thế: bàng long, đảo sơn, nghịch giáng, lôi phong… làm điên đảo vợ chồng Vịnh Xuân. Cuối cùng vợ chồng phải dùng mưu lột đôi giày đế sắt của đối thủ mới hạ được hắn, tìm đường về với lực lượng phản Thanh. Cuốn phim là một thiên anh hùng ca lịch sử võ lâm Trung Hoa giai đoạn phản Thanh Phục Minh.
Trong bộ phim nhiều tập “lò võ Thiếu Lâm” do hãng TVB sản xuất, Vịnh Xuân lại là một đào hát, Lương Bác Trù là con một trung quan bị hại. Bác Trù gia nhập đoàn hát và viết tuồng cho đoàn. Sau khi diễn một vỡ tuồng có nội dung phản Thanh do Bác Trù viết, đoàn hát đã bị quan lại nhà Thanh tấn công đốt sạch. Vịnh Xuân, Bác Trù tìm lên Thiếu lâm nương náu. Nhưng rồi Đại sư Tam Đức cũng bị hạ độc phấn làm mù đôi mắt và bị phục kích giết chết. Một tên quan trà trộn vào Thiếu Lâm học được hết 72 tuyệt kỹ và đánh cắp cả bí kíp dịch cân kinh. Tên này tầm sư học hầu hết các môn phái nay lại luyện được cả dịch cân kinh nên nội công càng thâm hậu, võ công thật cao siêu. Trước tình hình đó, Vịnh Xuân đã ngày đêm suy nghĩ để chế tác ra một môn võ mới. Một đêm Vịnh Xuân nảy ra ý nghĩ phải dùng những đòn ngắn tập trung tất cả nội lực đánh vào yếu điểm của đối phương mới mong thủ thắng. Vịnh Xuân xuống một cái giếng cạn đánh vào thành giếng để luyện tập đoản quyền. Cuối cùng đôi quyền rớm máu của Vịnh Xuân đã đánh vỡ được thành giếng. Đó là lúc Vịnh Xuân đã thành công. Hai người đánh bại kẻ thù, trả thù nhà và trở thanh đôi uyên ương hành hiệp giang hồ. Phim quy tụ nhiều tài tử thượng thặng của Hồng Kông với nhiều pha tỉ thí và biểu diễn võ công đẹp mắt.
Trong bộ phim nhiều tập “Quảng Đông thập hổ” cũng có nhân vật Vịnh Xuân, nhưng trong phim này hình ảnh Vịnh Xuân mờ nhạt bên hai nhân vật nam chính là Phan Xích Long va
Hồng
Hi Quan. Hồng Hi Quan cũng là một tổ sư như Vịnh Xuân. Ông đã sáng lập ra Hồng Gia phái mà ở Việt Nam có một đệ tử chân truyền là võ sư đại lực sĩ Hà Châu – người đã từng nằm cho xe lu 12 tấn cán qua cũng như đã luyện thành công Thiết sa chưởng với bài quyền nổi tiếng Phá sơn hồng gia quyền.
Trên phim “Nghiêm Vịnh Xuân 2010”
Gần đây có phim “cô gái dưới chân núi đại lương” do minh tinh hoa hậu Dương Tử Quỳnh thủ vai Nghiêm Vịnh Xuân. Dương Tử Quỳnh vốn là hoa hậu Malaysia có võ công thực thụ mà khán giả Việt Nam đã được thưởng thức tài nghệ của cô qua phim “cảnh sát siêu đẳng 3″ đóng chung với Thành Long. Trong cô gái dưới chân núi Đại Lương, sau khi thọ giáo với Ngũ Mai lão ni, Vịnh Xuân xuống núi cải nam trang cứu vớt một cô gái góa chồng trẻ đẹp và cho bán đậu hủ thay thế mình. Điều này đã làm cho Bác Trù sau một thời gian lưu lạc trở về hiểu lầm và sanh ra nhiều chuyện ghen tuông buồn cười. Tên phó cướp núi muốn bắt cô góa phụ làm vợ nên đụng độ Vịnh Xuân và nhận thất bại não nề. Tên chúa cướp biết Vịnh Xuân là gái nên ra tay giúp đàn em bắt cô góa phụ, buộc Vịnh Xuân lên núi tỉ thí. Một trận thư hùng xảy ra, cuối cùng Vịnh Xuân, cuối cùng Vịnh Xuân đã thu phục được bọn cướp núi bằng bản lĩnh võ công. Phim có nhiều pha đánh võ rất đẹp mắt như cảnh Vịnh Xuân đấu với tên phó cướp mà vẫn không để rơi mâm đậu hủ trên tay, cảnh Vịnh Xuân đâu trên ngựa hay cảnh Vịnh Xuân đấu với tên chúa cướp trên một cây lao ghim vào vách núi chênh vênh.
Diễn viên Dương Tử Quỳnh
Tất cả chỉ là hư cấu! Nhưng đã là nghệ thuật tất nhiên phải có sự pha trộn giữa hư cấu và nghệ thuật. Những cuốn phim trên không chỉ có giá trị mà còn có thể là tại liệu tham khảo cho những người ưa chuộng muốn nghiên cứu võ thuật. Bởi qua phim chúng ta có thể thấy từng động tác rất chính xác của từng thế võ của môn phái mà bộ phim mang tên vì đạo diễn, chỉ đạo võ thuật hay diễn viên Trung Hoa đều là những cao thủ có thực tài về võ thuật. Điều này khiến chúng ta không hề lấy làm lạ tại sao phim võ thuật Trung Hoa đã chinh phục toàn thế giới và những nhân vật lịch sử của họ như Vịnh Xuân, Hoàng Phi Hồng… trở nên những cái tên quen thuộc với mọi người. Những môn quốc võ của họ như Thiếu Lâm, Vịnh Xuân, Võ Đang được ưa chuộng khắp nơi.
Trông người lại nghĩ đến ta! Việt Nam cũng có biết bao anh hùng nữ kiệt và cũng có những môn võ riêng biệt của dân tộc. Biết đến bao giờ những bài danh quyền Việt Nam như Ngọc Trản, Hùng Kê… những cái tên Bùi Thị Xuân, Bà Trà… cũng được biết đến khắp nơi trên thế giới? Bạn có mong đợi như chúng tôi không?
Huỳnh Thiên Kim Đình
Nguồn: vothuat.com