Có một câu nói rất nổi tiếng trong võ thuật mà mình vẫn thường hay tâm đắc: “Luyện võ không luyện công, đến già vẫn như không.” Câu nói đó thật ngắn gọn.
Công ở đây tức là luyện nội công. Người luyện võ thuật chỉ biết động tác bài vở mà không có nội công thì chỉ có bề nổi mà không có bề sâu, đến khi về già sức khỏe suy yếu thì võ thuật cũng không dùng được nữa.
Bài viết dưới đây không nhằm mục đích diễn giải câu nói trên, tôi chỉ muốn kể lại câu truyện của tôi về quá trình tiếp xúc với môn võ Vịnh Xuân Quyền như thế nào mà thôi.
…
Tôi nhớ, lần đầu tiên đến lớp học võ, không phải là một lớp dạy Vĩnh Xuân, mà là một lớp võ Thiếu Lâm Nam Phái. Cảm giác lần đầu tiên tới một lớp võ khác hẳn với cảm giác bắt đầu học trong một ngôi trường trung học. Nó hồi hộp và đầy hưng phấn, háo hức và chờ đợi, trang nghiêm và có phần quy củ, nói chung nó rất khó để có thể viết ra đây.
Người thầy dạy võ cho tôi lúc đó là một thanh niên, hơn tôi khoảng 5 tuổi, tuy không cao lớn nhưng thân hình anh rắn rỏi, chắc khoẻ. Anh biểu diễn cho chúng tôi xem một vài bài quyền của Thiếu Lâm và cả kiểu di chuyển bằng tay lên các bậc thang xi-măng ở giữa lớp học của chúng tôi.
Tôi luyện tập cùng với một số bạn các bài tập lúc đó, thường thì là: đứng trung bình tấn, xoặc và ép dẻo, tập thể lực như chống đẩy, chạy bền, đôi khi là nhảy cầu người,… và điều làm chúng tôi thích thú nhất là hệ thống các bài quyền của Thiếu Lâm lúc đó (đến bây giờ thì tôi chịu, không thể nhớ nổi).
Các bài quyền được chúng tôi luyện tập mỗi ngày, các hành động lặp đi lặp lại, và lúc đó tôi cũng chẳng hiểu nổi vì sao lại phải đánh như thế. Chúng tôi gần như là “múa” theo các động tác của thầy, gần như là bắt chước các động tác mà không một chút ý hiểu gì về chúng. Nhưng, quan trọng là vì chúng tôi thích.
Đôi khi bạn phải đối diện với nhiều sự lựa chọn, và có thể bạn không đủ tỉnh táo để hiểu ra rằng cái nào là thực sự quan trọng đối với bạn. Lúc đó, gần lớp Thiếu Lâm Nam Phái có một lớp võ tự do của các anh lớn tập. Chúng tôi thường nói với nhau: “Thế mới là võ thuật.”, hay “Võ thuật là phải đánh được như thế.” để thể hiện sự ngưỡng mộ của mình đối với mỗi bài tập của các anh ấy.
Thật ngu ngốc khi quay lưng lại với những gì mình đang có. Tôi nghĩ rằng sau này lớn lên, mình sẽ học được những thứ cao siêu như thế. Và dần dần tôi từ bỏ Thiếu Lâm Nam Phái, không phải vì sự đam mê của tôi đã cạn, mà là vì tôi muốn thay đổi bản thân mình.
Một vài năm sau đó, tôi lên Hà Nội làm việc và cơ duyên cũng đến. Tôi được học ở một lớp Vĩnh Xuân do sư phụ Nguyễn Mạnh Nhâm chỉ dạy, đó là quãng thời gian tôi được hiểu về võ thuật nhiều nhất, cũng là lúc niềm đam mê đối với võ thuật của tôi bùng cháy.
Tôi tuy có niềm đam mê nhưng lại không phải là người có năng khiếu thiên bẩm về võ thuật. Tự tôi nhận ra điều ấy. Nhưng không quan trọng, quan trọng là vì tôi thích.
Chúng tôi bắt đầu từ việc tập tấn, xoay thân, tập luyện trong lúc tối, tập đấm thẳng, tập phát lực, tập thể lực, tập phản xạ, tập mềm lỏng,… sư phụ chia ra các bài nhỏ cho chúng tôi tập luyện mỗi ngày. Tôi bắt đầu hiểu nhiều hơn về võ thuật, là chân là gốc rễ, là cội nguồn của sức mạnh, là tay trong Vĩnh Xuân phải nhanh, mạnh, tốc độ kinh người, là đòn thế phải tự do biến hoá, không nhất thiết phải khuôn khổ, gò bó,…
Tôi hiểu ra rằng, những điều đơn giản lại mang đến những giá trị to lớn. Và tôi cũng không phải là một nhân tài tập võ, nhưng tôi thường xuyên luyện tập võ, tôi cũng chẳng được học nhiều, nên tôi thường tập đi tập lại các bài đã học….
Rồi đến một lúc nào đó, chúng ta cũng sẽ hiểu ra được, điều gì thật sự là cần thiết cho mình.!
Be the first to comment