Mời các bạn cùng theo dõi bài viết về Niêm thủ, Linh giác trong môn võ Vịnh Xuân Quyền của tác giả Trần Đức Hiếu, Minh Tâm Quyền chia sẻ trên LHVX.

1. Khái niệm về Niêm thủ, Linh giác

Linh giác, niêm thủ (tay dính) là một phương pháp tập luyện độc đáo của Vịnh Xuân Quyền, nhằm phát triển độ linh của xúc giác, dựa trên sự mềm dẻo, khéo léo, nhanh nhạy của toàn bộ cơ thể nhất là tay, chân khi tiếp xúc với tay, chân của địch, giúp cảm được lực, chiều hướng, độ mạnh nhẹ, để có những phản xạ hợp lý, kịp thời trong giao đấu, đạt được mục đích tối hậu là Tâm Ứng Thủ. Bên cạnh đó, kỹ thuật này cũng chính là cầu nối giữa các bài võ, miếng võ rời (tán thủ) và chiến đấu thực tế.

Khi nhìn thấy một đòn tấn công, mắt sẽ nhận biết và truyền tín hiệu đến não, não ra lệnh tới các chi thể để có phản ứng lại, đó là phản xạ thông thường của con người. Nhưng trên thực tế, một đòn đánh nhanh mà mắt không thấy kịp, hoặc bị đánh lừa (nhìn sang hướng khác) hoặc bị che bởi một đòn đánh khác – hư chiêu đều dẫn đến không đủ dự kiện cho não thu thập, để ra lệnh cho tay chân hành động, khiến phản ứng của cơ thể lúc đó là bất động, cứng đờ người ra. Chỉ khi có linh giác cao mới phát hiện được đòn thế đó ngay khi cơ thể bị đụng chạm. Linh giác không những phát hiện được sức mạnh, chiều hướng thậm chí còn phát hiện được đâu là hư chiêu, đòn tiếp theo sẽ là gì. Ngoài ra, tập linh giác còn giúp cơ thể xuất đòn theo đúng chiêu thức, theo con đường tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất.

2. Về phương pháp tập luyện linh giác

Nhắc đến sự nhạy cảm của con người, là nhắc đến sự nhạy cảm của mắt (thị giác), tai (thính giác), làn da thông qua tiếp xúc trực tiếp (xúc giác), đó đều là những giác quan, cảm nhận từ bên ngoài vào. Thường khi nhận biết một sự vật, hiện tượng, con người dùng nhiều các giác quan như thị giác, thính giác nên khả năng tự cảm, cảm nhận xúc giác là ít. Để phát triển giác quan hữu hiệu này, ta có thể tập nhắm mắt và tiếp xúc tay chân với đối phương, nhằm nâng cao sự nhạy bén, tinh tế của xúc giác chi thể.
Để tạo được khả năng linh giác, môn sinh Vịnh Xuân phải tập với một người khác (Thầy, bạn), tiến dần từng bước. Từ tập dính một tay (đơn niêm thủ) cho tới hai tay (song niêm thủ), các động tác ngày càng phức tạp, biến hóa,… kèm theo di chuyển mã bộ,… tiến đến có thể tập trong môi trường thiếu sáng, bịt mắt (phong nhãn). Người Thầy theo khả năng của học trò để dẫn, đòn đánh ra sẽ bất kỳ, không báo trước và người võ sinh sẽ theo cảm nhận của thân thể để đánh đỡ, hóa giải, không gò bó và hoàn toàn tự nhiên, miễn có hiệu quả.

Trong lúc tập tay dính, cần chú ý thư giãn toàn bộ cơ thể, mắt hơi nhắm lại, ý thủ đan điền và luôn bám dính theo sự chỉ dẫn của Thầy, bạn tập, từ tại chỗ cho tới di chuyển.

Nhờ kiên trì tập luyện tay dính, môn sinh Vịnh Xuân quen dần với thực chiến nhờ các bài tập ngày càng phức tạp, lặp đi lặp lại, đòn thế bất ngờ, mạnh, liên hoàn tấn công – hóa giải/phản công.

Việc luyện tập linh giác trong thời gian đầu nên được dẫn dắt bởi người Thầy, như Lý Tiểu Long từng bộc bạch: “Muốn tập Chi Sao phải có một ông Thầy lành nghề.” Được Thầy chỉ dẫn từng chút và cứ thế theo thời gian, người học trò sẽ dần tiến bộ và đạt được trình độ tối thiểu để bắt đầu tự luyện một mình. Còn tiến bộ đến mức nào, đi được bao xa, những điều này hoàn toàn phụ thuộc vào công phu rèn luyện, không thể tính bằng năm mà phải tính bằng số giờ tập luyện đúng phương pháp, nghiêm túc, chuyên tâm và say mê nghiền ngẫm của mỗi người. Cũng phải nhấn mạnh rằng, việc luyện tập nếu được thực hành với người có linh giác cao hơn sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực và rút ngắn được thời gian.

Trong hệ thống tập luyện của Vịnh Xuân Phái, muốn “thành” trong linh giác, bên cạnh việc thực hành với Thầy, sư huynh đệ đồng môn, song song với đó cần phải thiền định để đạt được trạng thái tự tại, đầu óc điềm tĩnh, thư thái, thân thể tay chân mềm mại, khéo léo và uyển chuyển.

Luyện tập linh giác thông qua quá trình tiếp xúc người với người, giữa những anh em đồng môn, nên cần thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đây hoàn toàn không phải cuộc tỉ thí, phân tranh cao thấp, cần tránh những hiềm khích không đáng có để tập tay dính trở thành một dạng tập thú vị, tao nhã, hữu ích giữa các đồng đạo.

Tập tay dính chính là cầu nối giữa bài tập và thực chiến.

Thông thường khi đã tập các thế võ, bài quyền, muốn có kinh nghiệm thực chiến thì phải qua đánh nhau thật. Điều này nguy hiểm và không phải lúc nào cũng thực hiện được. Nhưng chính qua việc tập tay dính kết hợp cùng việc đối luyện với anh em đồng môn, họ sẽ gặt hái được những kinh nghiệm khá gần gũi với thực tế chiến đấu – điều này có thể được hoàn thiện nốt bằng các cuộc thi đấu tay dính, đấu tự do.
Sau khi được tập luyện như vậy, môn sinh Vịnh Xuân chắc chắn sẽ có đủ khả năng đối đầu với những cuộc chiến gay go nhất mà họ bất đắc dĩ phải tham gia.

Trong tập tay dính cũng có thể sử dụng mũ áo bảo vệ, nhằm giảm thiểu cũng như đảm bảo an toàn cho các môn sinh trước các đòn thế nguy hiểm, như các đòn xỉa, chọc vào mắt, cổ họng,…

3. Linh giác, từ tập luyện cho tới thực tiễn cuộc sống, và tinh thần của Minh Tâm Quyền

Linh giác, đúng như tên gọi của nó, là phương pháp tập luyện độ linh, nhạy cảm của xúc giác. Đối với các môn sinh Vịnh Xuân, việc luyện tập linh giác được xem là cầu nối giữa các miếng võ, bài quyền với thực chiến. Ở một trình độ cao, cùng với thiền định và tập luyện quyền thuật, thì linh giác cũng được xem như một thước đo để đánh giá công phu rèn luyện của mỗi võ sinh, từ độ nhạy cảm, sự tinh tế, khéo léo, khả năng kiểm soát cơ thể và tâm trí.

Linh giác được xem là phương tiện để đạt đến sự thấu hiểu bản thân. Muốn cảm được người khác trước hết phải cảm được chính mình. Với một tâm trí tĩnh lặng và hướng sự chú ý vào bên trong, ta có thể cảm nhận được mọi sự vận động của cơ thể, từ trong ra ngoài. Theo thời gian, cùng với sự tiệm tiến cuả linh giác thì tâm trí mỗi người cũng sẽ dần lắng xuống, tĩnh tại và thư thái. Đem những điều này áp dụng vào thực tế cuộc sống, thì dù ở độ tuổi nào, không kể nam nữ, cũng đều mang đến hiệu quả tích cực. Với trẻ em, thông qua những phương pháp tập mà chơi về phản xạ để dần tiếp cận với linh giác, chẳng hạn như phân tâm học giúp trẻ cân bằng hai bán cầu não và kích thích tư duy sáng tạo. Với người trưởng thành, linh giác cũng mang tới nhiều lợi ích to lớn. Giúp cải thiện khả năng tập trung, tinh thần được thư giãn, giảm căng thẳng từ đó hỗ trợ cho trí óc hoạt động hiệu quả và bền bỉ hơn. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới tính dưỡng sinh của phương pháp tập luyện này. Trong lúc tập tay dính, người ta luôn cần thả lỏng, thoải mái, ý nghĩ chỉ tập trung vào đan điền. Vì luôn phải di chuyển, quay người, vận động toàn thân nên giúp khí huyết được lưu thông, bôi trơn và bảo dưỡng ổ khớp. Đây còn là hình thức “động thiền”, giúp điều hòa thần kinh và ức chế stress.

Quả thực, linh giác là phương pháp tập luyện mang đến nhiều lợi ích to lớn. Lấy sự vận động hài hoà của cơ thể để giúp tâm trí đạt được sự điềm tĩnh và sáng suốt. Trong bất kì hoàn cảnh nào, dù có khó khăn áp lực đến đâu đi nữa, với một tâm trí bình tĩnh, sáng suốt, con người sẽ luôn tìm ra cách, hướng đi để giải quyết vấn đề một cách kịp thời, hiệu quả và chính xác.

Tác giả Trần Đức Hiếu – Minh Tâm Quyền chia sẻ