Vịnh Xuân Quyền là một môn võ ra đời ở Trung Quốc và được coi là một trong những môn thuộc Thiếu Lâm chính phái. Về lịch sử của môn võ này, hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau, tuy vậy, dựa trên những tài liệu hiện có (có thể là chưa đầy đủ), chúng ta tạm vạch ra mấy nét chính sau:
Năm 1368, sau 17 năm gian khổ, Chu Nguyên Chương đã đánh bại nhà Nguyên, lập ra nhà Minh, lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Hồng Vũ. Chu Nguyên Chương vốn xuất thân bần hàn, được các nhà sư ở chùa Hoàng Giác cưu mang, giáo dục từ lúc trẻ tuổi nên sau khi lên ngôi đã coi phật giáo là chỗ dựa quan trọng về mặt cơ sở xã hội.
Ông đã phân phong cho một số nhà sư có công khai quốc khu vực dãy núi Tung Sơn (Hà Nam, Trung Quốc; cách Bắc Kinh ngày nay khoảng 600 km về phía nam) và cho xây dựng lại chùa Thiếu Lâm ở đó (trên cơ sở một ngôi chùa có từ trước), từ đó Thiếu Lâm Tự trở nên nổi tiếng (ở Trung Quốc nhiều chùa có tên là Thiếu Lâm, nhưng chùa thiếu lâm ở Tung Sơn mới là cái nôi võ thuật Trung Hoa).
Thiếu Lâm tự phát triển liên tục trong khoảng 400 năm và trở thành ngôi chùa có quy mô đồ sộ bậc nhất Trung Quốc, có thời điểm tại Thiếu Lâm tự có hàng chục ngàn người tu luyện (ảnh dưới là cổng chính Thiếu Lâm Tự). Thiếu Lâm tự nhanh chóng trở thành trung tâm võ thuật số một Trung Quốc nói riêng cũng như thế giới nói chung. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều phái võ lớn được cả thế giới biết đến.
Năm 1644 Quân Mãn Thanh lật đổ nhà Minh, lập ra nhà Thanh. Trong quá trình cai trị, triều đình Mãn Thanh nhận thấy Thiếu Lâm tự vẫn ủng hộ nhà Minh và đang âm thâm xây dựng lực lược để thực hiện ý đồ “phản Thanh phục Minh”. Với lực lượng hàng chục ngàn phật tử tinh thông võ thuật, rõ ràng Thiếu Lâm tự là một mối đe dọa đối với triều đình nhà Thanh. Để giải quyết vấn đề đó, hoàng đế Ung Chính tức Thanh Thế Tông (tại vị từ 1723 đến 1736) đã cho quân đội đến bao vây và phóng hỏa đốt Thiếu Lâm tự. Trong cơn khói lửa đó hầu hết các võ sinh của Thiếu Lâm tự bị tử nạn, chỉ có một số ít kịp thời chạy thoát. Trong số những người chạy thoát có một số đại cao thủ của Thiếu Lâm tự như Chí Thiện thiền sư, Ngũ Mai sư bá…
Sau khi trốn khỏi vòng vây của quân đội Mãn Thanh, các cao thủ Thiếu Lâm vẫn cố gắng khôi phục lực lượng để chống lại triều đình; tuy vậy trong điều kiện bị truy đuổi gắt gao, các cao thủ Thiếu Lâm tự không thể tổ chức đào tạo võ sinh theo phương pháp cũ, tức là tuyển lựa học trò khắt khe và đào tạo lâu năm mới thành tài (10-20 năm). Việc đối đầu với triều đình buộc các cao thủ Thiếu Lâm phải nhanh chóng sáng tạo ra một môn võ mới, có tính thực dụng và hiệu quả cao, thời gian luyện tập ngắn hơn phương pháp cũ và có những biện pháp luyện tập riêng biệt để che mắt kẻ thù. Trên cơ sở đó, các cao thủ Thiếu Lâm đã trao đổi, rút tỉa các kỹ thuật sở trường và Vịnh Xuân quyền đã ra đời.
Vịnh Xuân quyền ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy nên phương pháp luyện tập và các chiêu thức của môn võ này cũng có những điểm rất đặc trưng. Ưu điểm của nó là làm cho sức khỏe người tập tiến bộ nhanh chóng, đầu óc minh mẫn, lạc quan; tính thực dụng cao. Nhưng nó có nhược điểm là chiêu thức không đẹp mắt, sử dụng cả các tiểu xảo (như xỉa mắt, tóm tóc, đánh hạ bộ…) để tấn công đối phương.
Vịnh Xuân quyền được bí mật truyền dạy ở Trung Quốc từ thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19 và sang đầu thế kỷ 20 thì bắt đầu truyền bá ra thế giới. Trong khoảng hơn 200 năm đó Vịnh Xuân quyền đã được các cao thủ võ lâm gọt dũa, hoàn thiện dần như ngày nay.
Vậy Vịnh Xuân ra thế giới và sang Việt Nam như thế nào?
Để làm rõ vấn đề này chúng ta phải nhắc tới hai cao nhân võ học là Nguyên Tế Công và Diệp Vấn. Trước tiên xin nói về Diệp Vấn. Ông là người cùng tập Vịnh Xuân với Tế Công và là sư đệ của Tế Công. Ông là một võ sư tài ba, đã đào tạo được rất nhiều võ sư nổi tiếng ở Hồng Kông và Hoa Kỳ, có thể nói hầu hết các võ sư Vịnh Xuân quyền ở Hồng Kông và Hoa kỳ đều có dấu ấn của Diệp Vấn (hoặc là học trò của ông hoặc ảnh hưởng phương pháp luyện tập của ông).
Trong các học trò của Diệp Vấn, người nổi tiếng nhất là Lý Tiểu Long. Lý Tiểu Long sau khi học được một phần Vịnh Xuân quyền của Diệp Vấn đã sang Mỹ học thêm một số môn võ hiện đại và sáng lập ra phái Triệt Quyền Đạo (Jet-Kun-Do) với lối đánh dũng mãnh, đẹp mắt nhưng có nhiều sự khác biệt so với môn Vịnh Xuân truyền thống.
Về Nguyên Tế Công – sư tổ của Vịnh Xuân Việt Nam chúng ta có thể kể qua mấy nét sau: Ông sinh năm 1877 tại Trung Quốc và mất năm 1959 tại Việt Nam (Xem thêm bài Tiểu Sử Sơ Lược của Đại Sư Nguyên Tế Công). Mộ ông hiện ở Lái Thiêu, Bình Dương.
Ông là một người đam mê võ học từ bé, đã từng học qua rất nhiều môn võ. Gia đình ông từng chi 300 lạng bạc (một khoản tiền lớn lúc bấy giờ) để mời thầy về dạy Vịnh Xuân cho ông và em trai là Nguyễn Kỳ Sơn. Sau 3 năm luyện tập, ông đã lĩnh hội được hết tinh hoa và trở thành đại cao thủ của môn Vịnh Xuân. Sau khi tập với thầy ông còn tiếp tục tự tu luyện tại Kim Cương Tự một thời gian nữa và đã đạt được trình độ võ công tuyệt luân. Lúc đó ông mới khoảng ngoài 30 tuổi. Sau khi hoàn thành việc luyện võ ông làm nghề bảo tiêu (áp tải, bảo vệ người hoặc hàng hóa qua những vùng nhiều giặc cướp). Chỉ sau ít năm , tiếng tăm ông đã vang dội nhưng theo đó là những ân oán giang hồ trùng điệp. Để thoát khỏi những ân oán đó năm 1939 ông rời quê hương sang Việt Nam sinh sống (thời gian đầu chủ yếu sống bằng nghề bốc thuốc).
Sang Việt Nam, lúc đầu ông sống ở Hải Phòng một thời gian ngắn, sau chuyển về phố Hàng Buồn, Hà Nội. Trong thời gian ở bắc Việt Nam ông đã đào tạo được một số võ sư giỏi như Trần Văn Phùng, Vũ Bá Quý, Ngô Sỹ Quý, Trần Thúc Tiển… Mỗi học trò của ông đều có một sở trường riêng nhưng tất cả đều là những đại cao thủ tầm cỡ quốc tế, được thế giới thừa nhận; có người đã từng vô địch võ đài Đông Dương vào thập kỷ 30 của thế kỷ XX.
Năm 1954 ông vào Sài Gòn – Chợ Lớn sinh sống cho đến cuối đời (1959) và ở Sài Gòn ông đã đào tạo được một số võ sư giỏi như Hồ Hải Long, Lục Viễn Khai… (Xem thêm phả hệ của môn Vịnh Xuân Việt Nam).
Trên là vài nét về lịch sử Vịnh Xuân quyền Việt Nam. Do tư liệu chưa đầy đủ nên bài viết có
thể còn nhiều thiếu sót. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm tư liệu để cập nhật bài viết đầy đủ hơn.
Trương Công Hữu – Xuân Kỷ Sửu 2009
Be the first to comment