Cách dùng Bàng thủ trong Vịnh Xuân
“Bàng thủ” (hất, tạt qua bên) có lẽ là kỹ thuật thương hiệu hay nhận diện của Vịnh Xuân bởi vì hình dáng nổi bật có một không hai của nó. Sau đây là hình minh họa và cách dùng Bàng thủ:
- Vươn và xoay phía cẳng tay trước ra, xoay trỏ lên ra phía trước, giữ tay trước một góc nghiêng và giữ vai thả lỏng, quan trọng là cùi trỏ nằm hướng ra ngoài nhưng không rộng quá vai.
- Độ cao của tay Bàng thay đổi theo độ cao thấp hay theo tay kiều và đòn công của đối thủ, nếu cao quá vai dùng “thượng Bàng”, ngang vai dùng “trung Bàng”, từ vai trở xuống dùng “hạ Bàng”.
- Chỉ có thể dùng Bàng thủ khi tay có một lực đủ cần thiết, giống như lực đàn hồi của lò xo để có thể lái lực, hất, chuyển lực, làm chậm và kéo lực của đối thủ sang hướng khác. Cần sử dụng Bàng thủ một cách tự nhiên và đa dạng sẽ cho phép sự thay đổi rất rộng khả năng phòng thủ của nó.
Trong Vịnh Xuân quyền, kỹ thuật Bàng thủ được sử dụng rất nhiều từ khi tập luyện bài Tiểu niệm đầu, đến Tầm kiều, Niêm thủ và bài 116 Mộc nhân…chú ý khi dùng “Bàng thủ” luôn nên kết hợp với xoay thân, chuyển mã để tăng thêm hiệu quả…
Hình minh họa cách dùng thượng và hạ Bàng
Và ứng dụng trong thực chiến, nó như là cách tốt nhất để chống lại hai đòn liên tiếp là chộp và đấm của đối thủ, khi bạn đang bị chộp và kéo ở cổ tay vào đòn đánh thẳng, lúc này phía cẳng tay trước và cùi trỏ của bạn còn tự do bạn có thể xoay nó để biến thành Bàng thủ, như vậy sẽ cho phép bạn chỉ cần dùng một tay “Bàng” chặn được cả hai tay đối thủ và tay còn lại có thể tung ra liên tiếp các đòn khác hạ gục đối thủ một cách nhanh chóng…
Trong phép tập “Chi Sao”, nếu bạn đang bị bẫy hay khóa tay thì cách tốt nhất cũng là dùng Bàng thủ kết hợp với xoay thân để phá, hất đòn tấn công của đối thủ đi. Nhưng cần chú ý, “Bàng thủ bất lưu kiều” để nhắc người tập nhớ là chỉ dùng Bàng ở một thời điểm cần thiết, không nên giữ lâu mà cần dùng thật nhanh chóng rồi biến đổi ngay sang thế tay khác.
Video hướng dẫn tập Bàng thủ:
TP. HCM 01/2016 – Vs. Xuân Hiếu CLB VXQ Hongkong