Là phương pháp tập đặc sắc của những môn nội gia: Vĩnh Xuân Quyền, Thái Cực Quyền, Bát Quái Chưởng, Hình Ý Quyền… Linh giác hay còn gọi là “Niêm dính”, là hình thức tập bắt buộc phải có bạn tập để thông qua các bài tập: Niêm thủ (dính tay), Niêm cước (dính chân) và toàn thân. Rồi thông qua các điểm chạm vào đối phương, ta có thể cảm nhận được đòn thế, lực, biến đổi để hoá giải rồi tấn công vào yếu điểm của họ. Vì vậy có thể nói Linh giác là bài tập kết nối những bài tập, là kỹ năng vận động cao nhất, khó nhất, nhiều nội dung nhất của môn võ Vĩnh Xuân Quyền. Qua sự rèn luyện, tiếp xúc nhiều năm tháng. Linh giác giúp cho ta có sự phản ứng mà thần kinh không phải suy nghĩ hay còn gọi là “Tâm Ứng Thủ”.
Ngoài giá trị dưỡng sinh và phục vụ khả năng chiến đấu ra, Linh giác còn có giá trị lớn đối với ai bị khuyết tật như người: mù, điếc. Nó giúp họ hoà nhập với cộng đồng tốt hơn, cơ thể khoẻ mạnh, thần kinh xúc giác nhạy bén. Vận động của Vĩnh Xuân Quyền trọng về mềm mại, nhu nhuyễn, tập Linh giác còn chú trọng hơn nữa, người tập phải sử dụng các vòng, các chiều trong không gian hoà cùng thông tin khách quan do đối tác mang đến. Sự vận động đó lâu dần sẽ cải thiện hệ thống Gân, Cơ, Khớp, làm cân bằng các nhóm cơ cũng như nội tạng.
Nói thế không có nghĩa là ai luyện tập linh giác cũng có khả năng chiến đấu tốt. Bản thân tôi đã chứng kiến rất nhiều người bỏ ra cả chục năm để luyện tập Linh giác, nhưng đến khi vào thi đấu tự do thì chả biết làm gì… Lúc ấy tôi mới nhận thấy tác hại của sự huyễn hoặc trong kỹ thuật, có ngày sẽ gây hại cho người luyện tập. Ngày đó cứ tập là “dính”, vào bài tập thấy: kéo, ẩn, giằng giật được bạn tập tưởng là hay, mà thấy bảo “Linh giác” là kỹ thuật cao nhất của Vĩnh Xuân, mình cũng tập rồi, thì nghĩ rằng mình cũng là cao thủ Vĩnh Xuân. Có biết đâu rằng Linh giác chỉ phát huy được trong thực tế khi các kỹ thuật khác ta đã rất vững vàng, đây là chưa nói đến yếu tố tâm lý, kinh nghiệm chiến đấu.
Qua quá trình luyện tập, quan sát, tôi thấy rất nhiều người luyện tập Vĩnh Xuân đã hiểu nhầm, ngộ nhận cũng như hoang tưởng về Linh giác. Khi đối đầu với địch thủ, gần như không phát huy được “dính” mà phải trả giá bằng chính bản thân mình.
Chú ý: Khi tập Linh giác, võ sinh Vĩnh Xuân cố gắng ý thức việc thả lỏng cơ bắp, tinh thần thoải mái. Tập tại chỗ rồi mới di chuyển, xoay từ gióng tay đến cánh tay, cổ tay.
Nguồn: vinhxuanvietnam.org
Be the first to comment