Mỗi môn thể thao đều có những động tác cơ bản. Nếu bạn muốn thành công, bạn phải khổ luyện những động tác đó để thực hiện chúng chuẩn xác. Tiểu Niệm Đầu là quyền pháp cơ bản của Vịnh Xuân quyền. Nếu bạn hiểu những nguyên tắc của Tiểu Niệm Đầu, thuần thục các đòn và ra sức đúng, bạn có thể hoàn thành các mục đích của Tiểu Niệm Đầu. Từ đó, có thể tiến nhanh hơn khi học Vịnh Xuân.

Quyền thuật của Tiểu Niệm Đầu rất đơn giản.  Mọi môn sinh Vịnh Xuân đều đã quen thuộc với nó, nên tôi sẽ không đi vào chi tiết.  Tôi chỉ muốn nói những điều tôi hiểu và học được từ các nguyên lý của Tiểu Niệm Đầu.  Hy vọng, kinh nghiệm của tôi sẽ giúp các tân môn sinh.

Có Thế tấn đúng trong Tiểu Niệm Đầu sẽ khiến dòng lực chảy liên tục trong toàn thân và tăng sức trong công và thủ.  Các động tác của Tiểu Niệm Đầu nhằm tập trung tư tưởng, trải năng lượng trên toàn thân và tạo sức.  Ngoài việc là một quyền pháp, Tiểu Niệm Đầu còn giúp tăng cường thể lực.  Nó cũng tốt cho người già.

Một số người nói “Nhị Tự Kiềm Dương Mã” có thể được dùng để vít đầu con dê (kiềm dương), hoặc dùng để bảo vệ hạ bộ (cũng có nghĩa kiềm dương), tôi sẽ không tranh luận nghĩa nào là đúng, mà chỉ phân tích các tác dụng của  Nhị Tự Kiềm Dương Mã như sau:  doãng chân ra đều vừa mức với chiều cao và bề ngang của bạn.  Cong gối là một cách tiết kiệm sức lực khi giữ trọng lượng của bạn.  Xoay ngón chân cái vào trong thành hình chữ Bát rất có tác dụng, nên cần xem xét kỹ tiếp.  Nếu kéo dài chữ Bát bạn sẽ có một tam giác.  Ở đây có những nguyên tắc để xác định góc tạo thành đó là góc nhọn hay góc tù.  Đưa chân bạn ra theo trục thẳng trước mặt cho đến khi chân nằm ngang.  Lấy điểm vuông góc với gót chân bạn là đỉnh của tam giác.  Đứng như thế nào đó để hai chân bạn hướng đúng vào đỉnh này.  Khi đó bạn đã đứng đúng thế chữ Nhị.

Khi tấn công, nếu bạn đứng đúng thế chữ Nhị, bạn có thể đá bất kỳ lúc nào mà không cần chuẩn bị, và cú đá sẽ có toàn bộ sức của thân thể khi tấn công vào trung điểm của địch thủ.  Nó cũng được dùng để thủ.  Tóm lại, nó được dùng để phản ứng nhanh.

Các kỹ thuật của Than Thủ, Bàng Thủ và Phục Thủ đều dựa trên thế tấn này để phát  huy sức lực khéo léo.  Những người mới tập thường thấy vất vả khi tập Than Thủ, Bàng Thủ.  Đó là vì họ chưa biết cách dùng đúng kỹ thuật.  Thực ra, bạn không cần dùng nhiều sức trong Than Thủ và Bàng Thủ.  Một khi bạn đã hiểu được cách dùng lực, bạn có thể chống đỡ được lực công rất lớn bằng một lực nhỏ.  Để làm được điều này, bạn cần tìm được góc độ thích hợp cho mình khi dùng Than Thủ và Bàng Thủ khi tập Tiểu Niệm Đầu.  Sau đó, kết hợp với Nhị Tự Kiềm Dương Mã, bạn có thể dùng “tứ lạng bạt thiên cân”.

Khi tập Than Thủ và Bàng Thủ của Tiểu Niệm Đầu bạn dần tìm được góc thích hợp đó.  Khi tập Than Thủ, ra sức với cả cùi và đánh lòng bàn tay ngửa từ từ theo đường trung tâm cho đến khi bạn cảm thấy có lực cản lại.  Đó chính là góc hợp với Than Thủ của bạn.  Dùng phương pháp này cho cả Phục Thủ, bạn sẽ tìm được góc độ thích hợp cho Phục Thủ và Bàng Thủ của mình.  Nếu bạn dùng góc độ này khi tập Li Thủ (Chi-Sau), cùng với Nhị Tự Kiềm Dương Mã, bạn có thể dùng lực yếu chống lực mạnh.

Các kỹ thuật khác cũng có những nguyên tắc riêng về ra sức và dùng lực.  Nhưng nếu bạn đã thuần thục và kết hợp được Than Thủ, Bàng Thủ và Phục Thủ, bạn sẽ hiểu các động tác khác bằng sự suy diễn tương tự.

Tiểu Niệm Đầu bao gồm cả động và tĩnh, giúp bạn tập trung vào việc trải sức ra toàn thân.  Tăng lưu thông máu mà không làm tăng mạch đập, khiến bạn cảm thấy tràn đầy sinh lực.

Từ Thượng Điền