Loading...

Trong Vịnh Xuân quyền, cú đấm được xem như “thương hiệu” đó là cú đấm thẳng đứng hay “nhật tự xung quyền” đi thẳng vào trung tâm tuyến của đối thủ. Việc tập cú đấm này cũng còn là cách đầu tiên để người tập có thể học và hiểu được các nguyên tắc của Vịnh Xuân, và còn là cơ sở để tập được tuyệt kỹ “Thốn quyền” (hay cú đấm 01 inch) sau này.

Sau đây là các bước để tập cú đấm “Nhật tự xung quyền”:

Bước 1: Chuẩn bị đứng chắc trên thế tấn Nhị kìm dương mã, việc này sẽ giúp cho chân, và cấu trúc thân tạo ra một bệ phóng vững chắc để tạo lực cho cú đấm, đồng thời vẫn duy trì thăng bằng trước, trong và sau khi đấm. Hai tay thủ sát lên hai bên ngực, nắm ngửa tay nhưng cần để tay và toàn thân thả lỏng (làm được việc này xem như người tập đã hiểu được 80% cách đấm của Vịnh Xuân).

Nhị kìm dương mã

Hình 1: Tư thế chuẩn bị

Bước 2: Chuẩn bị nắm nhẹ tay, dựng nắm đấm lên, ngón cái co chạm vào ngón giữa, như hình chữ nhật thẳng đứng đưa vào giữa ngực.

Nắm đấm đúng trong Vịnh Xuân Quyền

Hình 2: Cách nắm tay đúng trước khi đấm

Bước 3: Từ từ đấm ra theo đường trung tâm tuyến, khép cùi trỏ sát thân để giữ lực thẳng và giúp bảo vệ trung lộ nếu bị phản kích vào đây, sau đó đấm ném tay ra và tăng tốc sao cho khi chạm mục tiêu phải nhanh nhất và cứng nhất.

Tư thế đấm Nhật tự xung quyền

Hình 3: Tư thế đấm

Bước 4: Nhả hết cánh tay sau cú đấm, nhả hết không phải là nhả hoặc vặn vai, hay chúi đầu theo mà là bung hết trỏ ra nhằm giải phóng toàn bộ lực co từ cùi trỏ trước đó.

Xả tay sau khi đấm Nhật tự xung quyền

Hình 4: Xả hết tay sau khi đấm

Lưu ý:

  • Khi đấm chạm mục tiêu nên giữ khít các khe của nắm đấm đẻ tránh chấn thương các khớp ngón tay. Nên tập việc này ngay từ đầu để giữ thói quen tốt về sau.

  • Lực phát ra trong cú đấm Vịnh Xuân là từ cùi trỏ (không phải từ vai), vậy nên tập cách tăng tốc hoặc “bùng nổ” tại cùi trỏ sẽ làm cho cú đấm ra nhanh và mạnh hơn.

  • Cú đấm phải phát ra thẳng như một mũi tên để lực đi thẳng và xuyên thấu, không phải như một cái búa đánh xuống làm lực sẽ bị mất và chúi xuống.

Khi đã tập đấm từng cú đấm đơn một cách thuần thục, trên nguyên tắc đó chúng ta có thể chuyển sang đấm hai tay luôn phiên nhau hai cái trong một nhịp (đấm kép), rồi ba cái trong một nhịp (đấm tam tinh), rồi bốn hoặc năm cái trong một nhịp (đấm liên hoàn)… nhằm rèn luyện cho người tập cách kiểm soát cả hai tay về lực, tốc độ, nhịp độ, độ chính xác…

Để việc tập thành công hơn nữa ta cần hiểu được về mặt lý luận như nguyên tắc hình học: “khoảnh cách ngắn nhất giữa hai điểm là một đường thẳng”, cho nên tập cú đấm thẳng trong Vịnh Xuân là cách làm cho trong một khoảng thời gian như nhau sẽ đến được mục tiêu nhanh nhất. Ngoài ra còn phải nắm được nguyên tắc hợp lực, hay phối hợp, huy động toàn bộ các cơ, khớp của toàn thân vào cú đấm, hay nguyên tắc lực sẽ tỷ lệ thuận với gia tốc (sự tăng tốc độ trong một đơn vị thời gian)…

Thông thường người mới tập khó có thể tăng tốc hoặc đồng thời kết hợp được toàn bộ cơ thể một cách trọn vẹn vào cú đấm bởi vì họ quá căng cứng cả về cơ thể và tâm lý. Nếu được tập đúng, cú đấm này khi vào người sẽ có thể cảm thấy bị đau rất nhiều giờ hoặc nhiều ngày sau đó. Có nhiều người tập sau một thời gian sẽ vẫn cảm thấy cú đấm ra chẳng có lực, nhất là người nào đã học cách đấm theo kiểu cương cứng, gồng mạnh trước khi đấm, và khi so sánh như vậy sẽ tỏ ra rất thất vọng, đây là điều bình thường, vì cách đấm thả lỏng phát lực trong Vịnh Xuân đòi hỏi phải tập thường xuyên và đúng cách, nếu không có người tập cả đời cũng không thành công trong cách đấm này.

Video hướng dẫn tập đấm Nhật Tự Xung Quyền:

[youtube-subscribe]

TP. HCM 11/2015

Vs. Xuân Hiếu – CLB Vịnh Xuân Hongkong

Trong võ thuật, việc học cách di chuyển hay mã bộ có một phần rất quan trọng, có thể nói là quyết định đến sự thành bại của cả một quá trình luyện tập về sau. Với Vịnh Xuân quyền, phải học cách chuyển đúng mã bộ mới có thể áp dụng thành công được các nguyên tắc như “tá lực đả lực”, “lai lưu khứ tống”…hay tam hợp “thượng – trung – hạ; tay – thân – bộ”…

Ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long là người áp dụng tốt nhất và thành thục nhất việc chuyển mã bộ Vịnh Xuân, trên cơ sở bộ mã tiến thoái Tầm kiều này mà về sau họ Lý đều dựa trên nguyên tắc đó mà có sự sáng tạo, cũng như áp dụng đồng thời các bộ mã khác vào thực tế chiếu đấu rất hiệu quả.

Mã bộ chuẩn của Vịnh Xuân, là cách xoay tấn, tiến, thoái trong khi đối mặt với đối thủ. Nó được tập luyện kỹ và phát triển trong khi tập bài Tầm kiều. Tập đúng mã bộ và kỹ thuật di chuyển trong Vịnh Xuân giúp cho người tập có kỹ năng tấn công, thăng bằng, ổn định, trong khi vẫn duy trì an toàn cao nhất khi bị phản công.

Sau đây là hình vẽ minh họa và giải thích mã bộ đúng và vài cách tập mã bộ sai mà người tập Vịnh Xuân Quyền hay mắc phải:

Cách tập đúng:

Vịnh Xuân Quyền Mã bộ

(hướng của 2 bàn chân bước về phía đối thủ là 45 độ)

chan ma bo

(chân trước hơi trụ lực lại rồi nhả ra)

Là giữ hai bàn chân với khoảng rộng bằng vai, xoay thân và chuyển hai bàn chân song song nhau cùng một hướng 45 độ so với hướng tấn công, giữ hai đầu gối cong. Khi đứng nguyên tắc là dồn hầu hết lực (bảy phần) lên chân sau, lực từ gót chân qua cổ chân (thông qua cơ Achilles) lên chân, khi bước, chân trước tiến về phía trước, đồng thời dùng lực đẩy và sức mạnh từ chân sau cùng tiến lên.

Luôn kiểm tra vị trí hai bàn chân khi bước (45 độ). Không để khoảng cách giữa hai bàn chân quá gần hay quá xa. Nếu quá gần, quá hẹp sẽ dễ mất thăng bằng, nếu quá xa sẽ làm các cơ chân bị căng và chân trước dễ trở thành mục tiêu dễ bị công kích.

Dồn hầu hết trọng tâm về chân sau cho phép nhanh chóng thoái sau, tiến trước và sang hai bên. Đồng thời cho phép chân trước khi không bị trọng lượng dồn vào để có thể nhấc lên thực hiện dễ dàng và mau lẹ các cú đá mà không bị mất thăng bằng. Ngoài ra, khi dồn trọng lượng vào chân sau để bảo vệ khỏi các đòn kéo, móc, tấn công vào chân trước làm mất thăng bằng, điều này cũng hữu ích vì chân trước là mục tiêu dễ bị tấn công ở tầm thấp nhiều nhất.

Cách tập sai:

Kiểu sai thứ nhất: mã bộ kiểu đấu kiếm là chân trước đứng quá rộng hay đầu gối quá thẳng. Cần giữ đầu gối trước hơi cong là để tạo lực đàn hồi, nếu để đầu gối thẳng sẽ dễ bị gãy khi đạp vào.

Vịnh Xuân Quyền Mã bộ

Kiểu sai thứ hai: hai mũi chân đều hướng thẳng về phía trước sẽ dễ bị công kích và mất thăng bằng, cấu trúc mã bộ bị thu hẹp mặt chân đế và dễ bị mất thăng bằng về phương ngang.

Vịnh Xuân Quyền Mã bộ

Kiểu sai thứ ba: hai bàn chân bị xoay ngang vuông góc hẳn so với đường tấn công, kiểu này không những bộ pháp bị khóa và không cơ động, khó chuyển hướng để tấn công từ phía sau và bên hông, mà còn làm khuỷu chân và cẳng chân yếu, dễ bị công kích, còn tay hộ thủ phía sau cũng bị mất tác dụng.

Vịnh Xuân Quyền Mã bộ

Khi tập mã bộ cần luôn chú ý khi không di chuyển thì bàn chân cần trụ và bám vững xuống đất, không nhón lên các ngón chân. Một lỗi thường hay gặp của người tập là đứng nhón lực trên các ngón chân, điều này không những làm phát sinh lực tiêu hao mà còn làm hại đến sự vững chắc của bộ mã. Việc đứng nhón lên các ngón chân giống như đang chiếu đấu trên cà kheo vậy, nó sẽ làm mất thăng bằng, gốc không vững và như vậy toàn bộ cấu trúc của cơ thể dễ bị sụp đổ.

Bàn chân cần đặt hết và phẳng xuống đất, chỉ dồn lên các ngón chân trong quá trình bước và kéo. Khi kết thúc mã bộ, không bước chân nữa thì chú ý luôn đặt chắc chân xuống đất và dồn trọng trọng tâm về chân sau.

Chú ý việc chuyển mã và tiến thoái khi tập cần tự nhiên như đi bộ vậy, lúc nào cũng có thể từ thế tấn cơ bản đến xoay chân, bước, đá trong khi vẫn duy trì được khoảng cách hoàn hảo với đối thủ mà đối thủ vẫn không có cách nào công kích được. Khi tập mã bộ cũng cần phải giữ cho đôi chân có cảm giác được như hai lò xo, nên có độ đàn hồi, sẵn sàng và năng động, dễ biến hóa…

Trong Vịnh Xuân, về sau khi đã tập luyện lên trình độ cao hơn sẽ có thêm nhiều cách chuyển và
biến hóa mã bộ hơn nữa (sẽ được đề cập đến trong các phần sau…
), nhưng có thể nói bộ chuyển mã Tầm kiều là nền tảng và cơ bản nhất, việc chuyển mã bộ sai, tất nhiên là không được phép trong Vịnh Xuân, cho dù rằng khi chuyển sai mã bộ Vịnh Xuân này nó có thể biến thành mã bộ của các môn, phái võ khác như Aikido, Karate, Judo…là các cách tâp riêng mà người tập nên tách hẳn ra khỏi Vịnh Xuân để nghiên cứu.

Xem video hướng dẫn tập:

TP. HCM 11/2015

Vs. Xuân Hiếu – CLB Vịnh Xuân Hongkong

Đối với hầu hết các môn võ thuật, việc quan trọng đầu tiên đối với người tập là tập đứng vững một thế tấn (tấn pháp) cơ bản trước. Việc này giống như việc xây móng cho ngôi nhà vậy, móng có vững thì nhà mới xây cao được.

Nhị kìm dương mã

Với môn Vịnh Xuân quyền cũng không ngoại lệ, thế tấn cơ bản nhất này gọi là “Nhị kìm dương mã” (xem hình vẽ trên).

Nhị kìm dương mã

Nhị kìm dương mã

Để chuẩn bị, người tập lúc đầu đứng thẳng với hai chân và gối khép sát nhau, rồi thực hiện các bước sau:

  • Mở hai mũi chân trước, sau đó khép và chụm hai mũi chân, mở gót, trùng gối lại tạo thành hình một tam giác cân như trên hình vẽ.

  • Độ mở của hai gót chân rộng bằng vai và độ mở của hai gối chỉ bằng một nắm tay, hai đùi hơi nhấn về phía trước nhưng không được để mất thăng bằng. Trọng tâm được đặt phân bố đối xứng đều trên hai chân.

Việc tập tấn này để phát triển độ vững của các cơ trên hai chân khi đứng tĩnh tại chỗ không di chuyển, người mới tập cần cố gắng và kiên trì, tập trung, trên cơ sở đó để thực hiện tất cả các thế tay xuyên suốt bài Tiểu niệm đầu.

Đây là một kiểu tấn kín đáo và vững chắc, nhưng chỉ dùng để tập luyện, khi thực chiến thì ít khi dùng, mục tiêu của của thế tấn này là xây dựng một sức bền và sức mạnh đáng kể cho đôi chân, và khiến cho khí tụ xuống chân khi người võ sinh học được cách thả lỏng trong khi đứng và lắng nguồn khí đi xuống đất thông qua đôi chân. Hơn thế nữa, thế tấn này còn tạo cho người võ sinh một tư thế chuẩn cho việc phát triển năng lượng và với việc luyện tập thường xuyên sẽ làm mạnh lên những bó cơ quan trọng. Nhờ vậy nó tạo cho người võ sinh một bệ phóng vững chắc để từ đó những kỹ thuật khác của Vịnh Xuân có thể được khai triển tốt hơn sau này như các cách chuyển mã bộ, sử dụng cước pháp, tiến thoái khi chiến đấu… (các kỹ thuật này sẽ được đề cập đến trong phần tiếp theo).

Dưới đây là video hướng dẫn bạn đứng thế tấn “Nhị kìm dương mã“, xem thêm Hình ảnh về Nhị Tự Kiềm Dương trong Vịnh Xuân Quyền

[youtube-subscribe]

Tp. HCM 2015 Vs. Xuân Hiếu – CLB Vịnh Xuân HK